Kinh tế vĩ mô

Hiệu quả kinh tế đi đôi với "xanh", doanh nghiệp sẽ có sự đánh đổi

Với áp lực của người tiêu dùng, đòi hỏi sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khoẻ, doanh nghiệp sẽ đánh đổi để giải quyết hiệu quả kinh tế.

Ngày 13/12, Hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế” được diễn ra nhằm mục đích nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Đồng thời, cũng là nơi để các tổ chức, cơ quan đưa ra giải pháp hướng tới tương lai thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tiến tới trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tuyến

Thay đổi tư duy về nguồn lực tài nguyên thiên nhiên

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TNMT) cho rằng,  Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á, do đó, nguồn lực tài nguyên của nước ta là rất đa dạng và phong phú. 

Tuy nhiên, quy mô còn nhỏ và khó đáp ứng được yêu cầu phát triển ngày càng tăng của nền kinh tế. 

Vậy nên, tài nguyên thiên nhiên của đất nước cần được quản lý chặt chẽ hơn, đặc biệt cần được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn, sao cho góp phần vào công cuộc ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. 

Những tài nguyên của đất nước phải trở thành nguồn lực, khơi dậy tiềm năng cho phát triển kinh tế - xã hội. Song, phải tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt thực thi phải công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Hơn nữa, công tác bảo vệ môi trường nhằm ứng phó BĐKH cần phải được chú trọng, chuyển từ trạng thái bị động sang trạng thái chủ động, đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế xã hội bền vững.

Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Võ Tuấn Nhân

Ông cho biết thêm, sắp tới Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Đất đai sửa đổi, Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước, đó là những nguồn lực tài nguyên thiên nhiên quan trọng.

Bộ TNMT cũng đang phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai trên nền tảng hiện địa nhất để quản lý được hiệu quả nhất, bên cạnh đó là quản lý khoáng sản, nguồn nước. 

Bên cạnh đó, nguồn thu từ đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước tăng qua nhiều năm, nhưng nhiều cơ chế, chính sách tài chính mới cũng sẽ được áp dụng. 

Ví dụ như việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một chủ trương mà Nhà nước đang cố gắng thực thi, áp dụng trong thực tế.

Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế TƯ (CIEM) nhận định : “Cốt lõi của vấn đề thị trường là sở hữu tài sản. Bởi có điều đó, mới có giao dịch, đằng sau cốt lõi ấy là vấn đề cạnh tranh như quyền kiểm soát giá cả, khả năng giao dịch”.

Mặt khác, xét trong bối cảnh thế giới hiện nay, TS Thành nhấn mạnh: “Về tư duy phát triển, tất cả chúng ta đều đồng thuận”. Gần 200 nước trên thế giới, chế độ chính trị có thể khác nhau, nhưng đều hướng đến một mục tiêu là phát triển bao trùm, bền vững, phát triển xanh, sáng tạo.

Do đó, tư duy, cách nhìn nhận trong bối cảnh mới cần được chú trọng. Đó là điều may mắn của Việt Nam, bởi mọi quốc gia đều đang trong quá trình nghiên cứu, Việt Nam có hy vọng đi cùng và bắt kịp với tốc độ của thế giới.

Tài nguyên thiên nhiên và mối quan hệ cùng chiều với kinh tế

Theo đại diện CIEM, trước đây, thị trường là hiệu quả, Nhà nước là phân bổ, đó là hai chức năng cơ bản. Đằng sau chức năng lại là câu chuyện đánh đổi. 

TS. Võ Trí Thành, CIEM

Ông lấy dẫn chứng, nếu hiệu quả mà bắt doanh nghiệp phải xanh, trách nhiệm với xã hội thì doanh nghiệp sẽ không còn hiệu quả, bởi phải tự bỏ ra chi phí và ngược lại.

Ông cho rằng, hiện tại, “sự đánh đổi" đó vẫn còn, nhưng với cơ chế thị trường cũng đã giải quyết được rất nhiều vấn đề về hiệu quả kinh tế.

Ví dụ về kinh tế tuần hoàn, áp lực của người tiêu dùng, đặc biệt tầng lớp trung lưu, đòi hỏi sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khoẻ, bên cạnh đó những mô hình kinh doanh mới, cam kết Hiệp định thương mại tự do,... cũng mang đậm chất “thị trường".

Từ đó, làm cân bằng lại sự “đánh đổi", thậm chí môi trường thiên nhiên và kinh tế lại phát triển cùng chiều, đồng thuận. 

Nhìn nhận về mối tương quan này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng: “Chúng ta là một nước đang phát triển, kinh tế đi lên theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, do đó chất thải. Do đó bảo vệ môi trường gắn với khai thác tài nguyên cần đặc biệt chú trọng, có giải pháp hữu hiệu”.

Mặt khác, ứng phó BĐKH ở nước ta cũng là vấn đề đang được cả thế giới quan tâm, bởi Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị tác động mạnh mẽ bởi BĐKH. Trong Hội nghị COP26, việc cam kết giảm khí phát thải của Thủ tướng Chính phủ là một việc thiết thực và có ý nghĩa với bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Đồng thời, đây cũng là bài toán yêu cầu chúng ta phải đưa ra những giải pháp về sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, tức là phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường.

Để góp phần đưa đất nước phát triển bền vững, những vấn đề liên quan đến tài nguyên môi trường, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện tốt mối quan hệ giữa gia tăng kinh tế và quản lý nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Giải pháp đưa tài nguyên thiên nhiên thành nguồn vốn hiệu quả cho kinh tế

Từ thuận lợi và thách thức thực tế, Thứ trưởng Bộ TN&MT đưa ra 7 nhóm giải pháp chính để phát huy tiềm lực của tài nguyên thiên nhiên trong đóng góp phát triển kinh tế bền vững.

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, từ đó thay đổi hành vi trong toàn xã hội về sử dụng nguồn vốn tự nhiên. Như vậy là thay đổi về tư duy về việc quá chú trọng lợi ích trước mắt mà bỏ qua những lợi ích lâu dài về môi trường.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường phù hợp với quản lý tổng hợp, gắn với bối cảnh và sự tham gia của nhiều bên. Từ đó, mới đáp ứng được những yêu cầu của mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ ba, phát triển các nguồn lực theo tổ chức bộ máy, phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh giản bộ máy, phân cấp, phân quyền nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực tài nguyên thiên nhiên và chất lượng môi trường.

Thứ tư, phát huy vai trò của công cụ chính sách vào thị trường, công cụ hạch toán, kiểm toán nguồn lực tài nguyên, chất lượng môi trường nhằm thực hiện yêu cầu công khai, bình đẳng và hài hòa trong khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, sử dụng tái chế chất thải.

Cần phát huy vai trò của công cụ chính sách vào thị trường, công cụ hạch toán, kiểm toán nguồn lực tài nguyên, chất lượng môi trường

Thứ năm, để TNMT và ứng phó BĐKH là trung tâm của các quyết định phát triển thì cần lồng ghép các mục tiêu quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường vào trong các định hướng phát triển KT-XH của mọi ngành, cấp.

Thứ sáu, thúc đẩy cơ chế liên kết trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, lấy phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp làm nền móng để sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu chất thải do các hoạt động kinh tế gây nên.

Cuối cùng, hiện đại hoá, sử dụng kỹ thuật đồng bộ, thông tin dữ liệu về TN&MT, tận dụng tối đa thành tự KHCN, đặc biệt là dữ liệu lớn (BigData), trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và internet vạn vật để hỗ trợ quy hoạch, giám sát và quản lý TNMT.