Kinh tế

Hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – Nhìn từ Bắc Giang

Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (One Commune One Product - OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị đầu tiên được Việt Nam triển khai trên toàn quốc từ năm 2018 tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Theo đó, trọng tâm chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.

Sản phẩm OCOP góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), sau hơn 4 năm triển khai Chương trình theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức đánh giá, phân hạng được 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao. Hơn 4.351 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là hợp tác xã (HTX), 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Chương trình OCOP đã tạo hiệu ứng tích cực, tạo điều kiện phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập. đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.

Chương OCOP phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Thông qua thực hiện chương trình hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, là giải pháp quan trọng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và NTM kiểu mẫu.

Hiệu quả “Mỗi xã một sản phẩm” – Nhìn từ Bắc Giang

Bắc Giang là tỉnh trung du miền núi phía Bắc, với nhiều sản vật, đặc sản mang tính vùng miền độc đáo,  phương châm của tỉnh Bắc Giang khi xây dựng các sản phẩm OCOP là đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, từ đó thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm OCOP. Đây chính là bước mở để kinh tế nông thôn phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh, phát triển bền vững.

Đến nay, toàn tỉnh có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 01 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao (vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân), 42 sản phẩm 4 sao (chiếm 23,3%), 138 sản phẩm 3 sao (chiếm 76,7%); tỉnh Bắc Giang hiện có 01 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Nhiều sản phẩm đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng như gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, na dai Lục Nam, chè Yên Thế, mỳ chũ Lục Ngạn,...

Vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm OCOP tiêu biểu của Bắc Giang

Nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, tiêu thụ, nhiều nông sản chủ lực và các sản phẩm OCOP của Bắc Giang cũng đã mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng. Nhờ đó, một số sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu sang thị trường các nước như: Sản phẩm của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu VIFOCO xuất khẩu sang thị trường Đức; các sản phẩm của Công ty cổ phần XNK thực phẩm Toàn Cầu xuất khẩu sang thị trường Pháp; các sản phẩm giấm của Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang Lục Ngạn xuất sang thị trường Trung Quốc; Bánh nông sản Bình Minh xuất sang thị trường Hàn Quốc;…

Các dòng sản phẩm Giấm Kim Ngân đã xuất hiện trên kệ hàng các siêu thị lớn như Vinmart, Aeon, Fivimart, 

Đặc biệt là các sản phẩm vải thiều đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia,…Bên cạnh đó, còn có các sản phẩm có khả năng xuất khẩu cao, được xuất khẩu dưới dạng gia công hoặc qua bên thứ ba như: Mỳ Chũ Green sang Nhật Bản; vải khô sang thị trường Trung Đông; sản phẩm rau, củ, quả của HTX rau sạch Yên Dũng; Cam, bưởi Lục Ngạn …

Mỳ Chũ Green – dòng sản phẩm cao cấp, thân thiện với môi trường

Những năm gần đây, sản lượng, chất lượng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang ngày càng đi vào chiều sâu, các chủ thể sản xuất đã quan tâm hơn đến việc hướng sản phẩm của mình ra các thị trường tiềm năng ngoài nước.

Song song với đó, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được tỉnh quan tâm chú trọng. Trong giai đoạn 2018-2022, tỉnh đã hỗ trợ cho trên 100 lượt hợp tác xã, doanh nghiệp với khoảng 350 lượt sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu đặc trưng tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kết nối cung - cầu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức. Hỗ trợ các chủ thể sản xuất xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (đã có hơn 80% sản phẩm OCOP giao dịch trên các sàn thương mại điện tử)...

Gần 100 sản phẩm OCOP, chủ lực của Bắc Giang tham gia Hội chợ Quốc tế Việt - Trung 2022

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Giang cho biết, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP của tỉnh Bắc Giang đã mang lại kết quả tích cực, trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn. Số lượng sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên năm sau luôn cao hơn năm trước. Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, thu hút sự tham gia, đồng hành của nhiều doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất, kinh doanh.

Hiệu ứng lan toả của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” cấp tỉnh không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng gia tăng giá trị nông sản, giải quyết việc làm cho người lao động mà còn góp phần nâng tầm vị thế sản phẩm nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hà Anh