Văn hoá

“Hiện tượng xuất bản” Nguyễn Phong Việt: “Hãy nói với nhau về niềm tin chiến thắng dịch bệnh”

Với nhà thơ Nguyễn Phong Việt, sau những đau thương, mất mát do đại dịch, thơ ca phải có góc nhìn tích cực, niềm tin chiến thắng Covid-19.

Điểm tựa gia đình trước dịch bệnh

Chào nhà thơ Nguyễn Phong Việt, sau những tập thơ tạo nên “hiện tượng xuất bản”, điều gì thúc đẩy anh sáng tác cho thiếu nhi?

Trong năm 2021, tôi ra mắt tập thơ Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ sau tập thơ Xin chào những buổi sáng vào năm 2018. Đối với tôi, đó là bước đi tiếp nối những cảm xúc khi chứng kiến con trai mình lớn lên từng ngày. Điều đặc biệt, trong gần 2 năm qua, vì tình huống đại dịch mà chưa bao giờ, chúng ta, những người lớn phải ở nhà nhiều đến vậy. Chưa bao giờ những đứa trẻ phải rời xa ngôi trường của mình lâu đến vậy.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt ra mắt tập thơ cho thiếu nhi trong năm 2021 để nhắc nhớ về giá trị gia đình.

Bên cạnh những tổn thương, thiệt thòi, những khó khăn mà ai cũng nhìn thấy thì ở góc độ tích cực, những người trong gia đình có thời gian dành cho nhau nhiều hơn bình thường. Những câu chuyện trong tập thơ là chia sẻ về giá trị tình thân, tình thương, sự gắn bó giữa cha mẹ và con cái…

Tôi may mắn có những trải nghiệm của bản thân để viết nên tập thơ này mong muốn nhắc nhớ về giá trị gia đình. Tôi và bạn họa sĩ trình bày sách này đều là những người cha. Chỉ khác là tôi có con trai còn bạn họa sĩ có con gái nhưng tâm thế của những người làm cha thì giống nhau.

Như vậy, qua những khó khăn vì dịch bệnh, anh nhận ra giá trị gia đình đối với mình như thế nào?

Khi chúng ta không đi ra ngoài thì thói quen cuộc sống bị đảo lộn. Chúng ta quay lại giá trị gần gũi, thiết thực nhất trong gia đình, trong ngôi nhà mình để vui với nó, chấp nhận nó và tìm cách hài hòa.

Tất nhiên, sẽ có những gia đình có những khúc mắc khi ở cạnh nhau quá lâu, con cái cũng vậy, bố mẹ cũng vậy. Có lẽ vì chúng ta không tập được thói quen ở cạnh nhau quá lâu nhưng hãy xem đó là sự thử thách về cảm xúc để biết phải chăm sóc lẫn nhau như thế nào, hiểu được người thân của mình,…

Những điều đó trước đây chúng ta thờ ơ, bỏ qua như lẽ bình thường. Nhưng khi có thời gian, chúng ta học cách hài hòa lại những mối quan hệ đã có từ bấy lâu nay.

Mỗi ông bố bà mẹ đều có hoàn cảnh sống khác nhau và những trải nghiệm riêng với đứa con của mình. Với tôi, con cái đã dạy tôi về nhiều điều quý giá trong cuộc sống, đặc biệt là sự trưởng thành, bao gồm cả sự bao dung, tính trách nhiệm, sự điềm tĩnh,…

Tôi hạnh phúc vì chính con mình đã dạy cho mình cách làm cha. Bởi lẽ, tôi cũng như rất nhiều người khác là chưa bao giờ được dạy cách làm cha mẹ.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt mong muốn thơ văn tạo nên niềm tin, sức mạnh cho xã hội chiến thắng đại dịch.

Học để làm cha mẹ, có phải điều này càng cần thiết khi chúng ta phải bảo vệ nhau, yêu thương nhau nhiều hơn trong dịch bệnh không?

Tôi nhận ra, người Việt Nam chúng ta hình như không được dạy cách để làm cha mẹ. Chúng ta đột nhiên yêu nhau, đột nhiên kết hôn và có con, trở thành cha mẹ. Để làm người cha người mẹ tốt, chúng ta phải học, phải có hiểu biết chứ không thể như ngày xưa với quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ” trong thời cuộc không có nhiều lựa chọn. Nhưng với cuộc sống ngày nay, chúng ta phải chuẩn bị về tài chính, chuẩn bị sức khỏe và tâm lý để thực hiện trách nhiệm của mình.

Trong số những yếu tố tác động đến sự lớn lên, trưởng thành của đứa trẻ thì cách giáo dục những năm đầu đời từ cha mẹ là rất quan trọng. Nếu cha mẹ không có kiến thức về chăm sóc, dạy dỗ con cái thì đó là thiệt thòi cho đứa trẻ.
Thời gian dịch bệnh vừa qua, những đứa trẻ có sự tổn thương rất lớn. Bản chất của trẻ con là khám phá, nhìn ngắm và đặt câu hỏi tại sao. Nhưng thời gian dài do dịch bệnh, trẻ em buộc phải quanh quẩn trong nhà, đối diện với mọi thứ mỗi ngày một cách nhàm chán.

Chính lúc này, để đứa trẻ có niềm vui trong những ngày dài đó, cha mẹ phải tương tác với con, phải chơi cùng con, phải lắng nghe và chia sẻ với con để ít nhất con cái vẫn cảm nhận được tình thương trong gia đình. Ở đâu đó trong giai đoạn vừa qua, rất nhiều người cha người mẹ mới bắt đầu nhận ra giá trị của việc gắn bó với con cái mình.

Dũng cảm hơn qua những trang sách

Hành trình 10 năm đều ra mắt tập thơ của anh quả là sự nỗ lực đáng ghi nhận. Anh có dạy cho con mình về sự bền bỉ này không?

Tôi chưa bao giờ hình dung bản thân có thể đi được hành trình 10 năm. Đều đặn mỗi năm dịp Giáng sinh, tôi đều ra mắt tập thơ cho người lớn với khởi đầu là tập thơ Đi qua thương nhớ vào Giáng sinh 2012.

Lúc đó, tôi suy nghĩ rất đơn giản, sau thời gian dài viết và chia sẻ trên mạng xã hội, tôi rất muốn xuất bản thành sách để dành tặng độc giả. Hơn 90% tác phẩm trong đó đã được chia sẻ trên mạng xã hội từ trước nên nội dung khi xuất bản thành sách không nhiều bất ngờ. Nhưng vì giá trị chia sẻ cảm xúc rất lớn nên tập thơ đó tạo nên thành công lớn nhất trong sự nghiệp 10 năm của tôi.

Hành trình 10 năm đều đặn có tập thơ là sự nỗ lực bền bỉ của nhà thơ Nguyễn Phong Việt.

Sau đó, tôi không có dự định cứ mỗi năm ra mắt một tập thơ để thực hiện hành trình 10 năm. Tất cả đều có cơ duyên.
Còn đối với con cái, bất kỳ đứa trẻ nào cũng thích đọc truyện tranh hơn những cuốn sách đầy chữ. Tôi nói với con, đó là sở thích của con, cha không ngăn cấm, nhưng có những điều tốt hơn, hay hơn sở thích của mình và sẽ giúp ích cho mình rất nhiều.

Từ đó, tôi đề nghị con mỗi ngày đọc 3 trang sách, nói với con rằng việc làm đó thật sự rất đơn giản. Khi tạo được sự khởi đầu đó, mỗi ngày đọc 3 trang sách trong 5 – 10 phút rồi dần dần sẽ tạo cho con cái thói quen mỗi ngày tìm đến sách. Cứ như thế, tốc độ đọc và sự say mê của con sẽ tăng dần lên. Để đến lúc này, việc đọc một cuốn sách Nghìn lẻ một đêm dày 1.341 trang đối với con trai tôi là cả một sự hứng thú và tôi tự hào về điều đó.

Anh có cho rằng, chính sự hấp dẫn của sách đã giúp chúng ta có thể đối diện, vượt qua sự khốc liệt từ dịch bệnh hay không?

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đã có lúc chúng ta loay hoay định nghĩa như thế nào là hàng hóa thiết yếu. Rất nhiều câu chuyện hài hước trên mạng xã hội, trong đó có quan điểm rằng sách không phải hàng hóa thiết yếu.

Nhưng ở thời điểm khó khăn vì dịch bệnh, với tôi, sách phải là hàng hóa thiết yếu. Vì khi chúng ta thực hiện giãn cách, không có cơ hội tương tác với mọi người theo cách trực tiếp. Lúc đó, trang sách giúp chúng ta quên đi thực tại mà bay bổng hơn, Đó là một liệu pháp cho tinh thần, hướng chúng ta đến sự tử tế, trách nhiệm…

Bước qua đại dịch, ai cũng có khó khăn trong cuộc sống, không kể người nghèo hay người giàu. Chúng ta đều có những vấn đề của riêng mình nên phải học cách đối diện và bước qua nó, không còn lựa chọn nào khác.

Là “hiện tượng xuất bản” của văn thơ, tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Phong Việt luôn được độc giả chào đón.

Theo anh, thơ văn trong tương lai gần cần có định hướng sáng tác như thế nào trong bối cảnh chúng ta cần niềm tin, sức mạnh để vượt qua những khó khăn do dịch bệnh?

Quan điểm của tôi, giai đoạn này, văn chương có 2 điều nên làm. Đó là hãy viết về trải nghiệm cuộc sống. Những đau thương, mất mát nhưng cũng có niềm vui, điều tử tế vượt lên để nhìn nhận đúng thực tế, đối diện với khó khăn.

Chúng ta cần chia sẻ với nhau những giá trị về niềm tin. Vì mất mát thì chúng ta đã có rồi, đau thương cũng đã nhìn thấy rồi. Chúng ta phải nói với nhau để tự tin hơn, lạc quan hơn qua sự lan tỏa của thơ văn nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung.

Cảm ơn anh!