Xã hội

Hiện tượng "lạ" quầng mặt trời, dự báo thời tiết có nguy hiểm sắp tới?

Sau khi hiện tượng kỳ ảo xuất hiện trên bầu trời một số tỉnh miền Bắc tên gọi là quầng mặt trời, chuyên gia đã đưa ra giải thích hiện tượng "lạ" này.

Một số tỉnh phía Bắc ghi nhận hiện tượng "lạ" về mặt trời

Ngày 21/5, tại nhiều địa phương như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Quảng Ninh... ghi nhận hiện tượng lạ về mặt trời. Thời điểm ghi nhận rõ nhất vào trưa nay, mặt trời đi kèm quầng hào quang thu hút nhiều sự chú ý của nhiều người. Cụ thể, hiện tượng hào quang xuất hiện rõ nét nhất vào lúc từ 10h30 đến 11h, trưa 21/5. Đặc biệt, vòng hào quang bao quanh Mặt trời đã tạo nên một khung cảnh vô cùng bắt mắt trên bầu trời.

Hiện tượng này xuất hiện khiến nhiều người tỏ ra thích thú vì quầng sáng rất to bao quanh mặt trời và không ít những lời "đồn đoán" được đưa ra. Có người cho rằng đây là điềm báo thiên tai hoặc một thông điệp gì đó về tương lai, nhưng cũng không ít người nói rằng đây chỉ là một hiện tượng thiên nhiên bình thường mà thôi.

Bầu trời xuất hiện hiện tượng lạ ngoài việc là một hiện tượng quang học đẹp mắt, hào quang Mặt trời được coi như một dấu hiệu để con người dựa vào mà phán đoán về thời tiết khi ngành khí tượng học, dự báo thời tiết còn chưa phát triển. Hào quang Mặt trời được cho là dấu hiệu sẽ có mưa hoặc dông vì vầng hào quang được tạo ra khi có mây ti ở trên cao. Mà mây ti ở trên cao lại là dấu hiệu cho biết một khoảng không khí ấm đang dịch chuyển đến khu vực đó.

Không khí ấm nói trên sẽ dịch chuyển lên cao trong bầu khí quyển, vượt lên trên khoảng không khí lạnh hơn, tạo ra nhiều mây ở các độ cao khác nhau. Nhiệt độ cao cộng với mây ngày càng dày lên thì dễ có mưa hoặc dông trong vòng 24 đến 48 giờ sau đó.

Hình ảnh hào quang mặt trời xuất hiện tại nhiều nơi vào trưa 21/5 vừa qua.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với VOV, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định: "Hiện tượng trên là quầng Mặt trời (Halo). Nó là hiện tượng Mặt trời bị che chắn bởi đám mây. Đây là loại mây cấu tạo bởi các tinh thể đá mỏng thường tồn tại ở độ cao trên 6000m.

Chúng ta nhìn thấy trời xanh bị che hơi mờ vì mây mỏng. Ánh sáng Mặt trời chiếu qua lớp tinh thể đá bị khúc xạ tạo ra một vầng hào quang mà dân gian hay gọi là quầng. Hiện tượng quầng thường quan sát vào buổi trưa những ngày nắng nóng. Nó không thường xuyên nhưng không hiếm gặp. Không có quy luật nhất định của hiện tượng này với các thiên tai".

Theo Trưởng phòng Dự báo thời tiết, quầng hào quang là những vòng ánh sáng bao quanh mặt trời hoặc mặt trăng. Chúng thường xuất hiện khi có một lớp mây ti mỏng xuất hiện trên bầu trời. Sự kết hợp giữa hóa học, vật lý và hình học là nguyên nhân chính tạo ra quầng mặt trời. Bầu khí quyển pha trộn nhiều loại khí, bao gồm khí oxy, nitơ và hơi nước.

Ở độ cao đủ lớn, hơi nước cô đặc và sau đó đông cứng thành tinh thể băng. Khi ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua tinh thể băng, dạng hình học của tinh thể sẽ làm cho ánh sáng bị khúc xạ, tương tự hiện tượng xảy ra khi ánh sáng chiếu qua một lăng kính.

Quầng mặt trời hoặc mặt trăng thường là dấu hiệu dự báo sắp có mưa. Do quầng hào quang cần tinh thể băng để hình thành, tinh thể băng thường xuất hiện trong những đám mây li ti ở độ cao lớn. Những đám mây này có thể kéo đến nhiều ngày trước khi có khối khí nóng hoặc lạnh mang mưa đến. Tuy nhiên, không phải mọi đám mây li ti đều đi kèm bão. Một số quầng hào quang chỉ đơn thuần là tín hiệu cho thấy lượng nước ở thượng quyển gia tăng. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra cả với mặt trăng.

"Đây là hiện tượng tự nhiên bình thường. Hiện tượng này thường hay xảy ra và có nhiều tên gọi khác nhau như: quầng mặt trời, quang mặt trời, halo sun, tán mặt trời... Người dân không nên lo lắng hay gán ghép hiện tượng này với các quan điểm không đúng", ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý.

Trao đổi liên quan đến hiện tượng này với Sức khỏe & Đời sống, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho biết, hào quang mặt trời hay còn gọi là quầng 22 độ là hiện tượng quang học xảy ra trong khí quyển Trái Đất ở khu vực lân cận đĩa sáng Mặt trời hoặc Mặt trăng khi thời tiết rất khô, ít hơi nước, trên tầng cao của khí quyển chỉ có mật độ thấp các hạt băng (nước đá).

Đặc biệt ánh sáng từ Mặt trời hoặc Mặt trăng (do Mặt trời chiếu sáng) khi đi vào khí quyển xuyên qua các tinh thể có dạng lục giác này bị khúc xạ, gây nên hiện tượng giống như khi đi qua một thấu kính phân kì, tạo thành một vòng sáng trắng có bán kính khoảng 22 độ (độ rộng đường kính 44 độ) quanh đĩa sáng. Hiện tượng này thường được quan sát phổ biến ở Mặt Trăng và ít gặp hơn ở mặt Trời.

Lại sắp có bão Mặt trời, có ảnh hưởng đến nước ta?

Nhận định thêm về quầng của Mặt Trăng, ông Sơn cho hay vì hiện tượng này chỉ xảy ra vào thời điểm ít hơi nước trong không khí, nên người Việt Nam mới có kinh nghiệm dự đoán thời tiết là "Trăng quầng trời hạn, Trăng tán trời mưa". Mặc dù vậy, kinh nghiệm này không hoàn toàn chính xác, vì quầng càng rõ càng cho thấy thời tiết oi, nhưng đồng thời bản thân việc trời oi cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới chênh lệch áp suất trong khí quyển, sinh ra gió, bão và mưa có thể tới rất sớm.

Đáng chú ý ở mặt Trời, hiện tượng này tuy ít xảy ra hơn so với ở Mặt Trăng nhưng cũng không phải quá hiếm. Điều khiến nó thực sự ít được nhìn thấy là vì hầu hết chúng ta không có thói quen nhìn về phía mặt Trời. Điều đáng nói là vì ít được quan sát trực tiếp, nên trong nhiều trường hợp, sự xuất hiện của quầng 22 độ ở mặt Trời đã bị lợi dụng bởi một số cá nhân hoặc tổ chức nhất định với mục đích tuyên truyền mê tín dị đoan.

Nói về ảnh hưởng của hiện tượng này tới thời tiết, ông Sơn cho hay theo dân gian mỗi khi quầng mặt Trời xuất hiện là dự báo thời gian sắp tới sẽ khô hạn, số ngày mưa ít. Như đã nói kinh nghiệm dân gian không phải luôn đúng mà chỉ có tính tương đối. Thực tế, chẳng hạn khi Trăng quầng, tức là trời oi bức, nếu quầng càng rõ tức là trời càng oi, thì bản thân việc trời oi lại cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới chênh lệch áp suất trong khí quyển, sinh ra gió, bão và mưa có thể tới rất sớm.

"Nếu bạn nhìn thấy hiện tượng này trực tiếp hay qua những bức ảnh chụp, đừng quên rằng nó là một hiện tượng quang học hoàn toàn bình thường, xảy ra bởi nguyên lý như nêu trên, không phải bất cứ điềm báo hay sự xuất hiện của một nhân vật siêu nhiên nào. Rất cần bỏ ngay thói quen liên hệ mọi thứ "có vẻ lạ" mà bạn nhìn thấy với một yếu tố siêu nhiên nào đó, vì điều đó là vô căn cứ. Thay vì thế, hãy tận hưởng nếu nhìn thấy một hiện tượng tự nhiên", ông Đặng Vũ Tuấn Sơn nhận định.

Nhận định thời tiết 10 ngày tới các khu vực trên cả nước

Dự báo thời tiết các khu vực từ nay đến ngày 24/5

- Bắc Bộ: Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khu vực này có mưa rào và dông vài nơi, riêng phía Tây Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác; từ chiều tối 23/5 có mưa rào rải rác và có nơi có dông, riêng khu vực vùng núi cục bộ có mưa to.

- Bắc Trung Bộ: có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác.

- Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên: chiều và đêm có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to.

- Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ: có mưa rào và dông vài nơi, chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to, riêng Nam Trung Bộ ngày 24/5 có mưa rào và dông vài nơi; ngày nắng, Nam Bộ có nơi nắng nóng.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Nhận định thời tiết từ đêm 24/5 đến ngày 1/6

- Bắc Bộ: từ ngày 24-25/5 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm); từ đêm 27-31/5, Bắc Bộ có khả năng có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to.

- Trung Bộ: ngày 24/5, chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Từ khoảng ngày 26-28/5 có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng. Từ chiều tối và đêm 28-31/5, khả năng Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.

- Tây Nguyên và Nam Bộ: chiều tối có mưa rào rải rác và có nơi có dông, riêng Bắc Tây Nguyên ngày 24/5, chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Từ ngày 29/5, chiều tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trúc Chi (t/h)