Đời sống

Hiện tượng kỳ bí khiến sinh vật dưới đáy biển đóng băng trong chớp mắt

Hiện tượng “ngón tay tử thần” thu hút con người bởi vẻ đẹp kỳ diệu nhưng đầy chết chóc. Nó lan tới đâu là khiến mọi sinh vật tại đó đóng băng ngay lập tức.

Hiện tượng brinicle, hay còn gọi là "ngón tay tử thần", là một khối nước mặn cực lạnh chìm xuống đáy biển, khiến nước biển xung quanh đóng băng theo.

Theo Live Science, "ngón tay tử thần" được phát hiện lần đầu vào những năm 1960 và sau thời gian dài nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra câu trả lời hợp lý nhất cho sự hình thành của hiện tượng này.

Bruno Escribano, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Toán ứng dụng Basque ở Tây Ban Nha, cho biết, quá trình hình thành brinicle diễn ra khi nước biển đóng băng ở Nam Cực và Bắc Cực. Muối cùng các ion khác bị loại trừ khỏi các tinh thể nước, khiến băng trở nên tinh khiết hơn. Lượng muối này được tích tụ tại các khe nứt trong lớp băng biển dày. Tuy nhiên, dưới những tác động của môi trường, các vết nứt băng biển không thể giữ lượng muối dồi dào bên trong và rò rỉ ra ngoài.

Vùng nước xung quanh trở nên mặn hơn khiến nhiệt độ đóng băng giảm, mật độ nước biển tăng lên. Điều này cũng khiến dòng nước tại đây không bị đóng băng. Lớp băng trên bề mặt bị nhấm chìm dần xuống đáy biển do sự chênh lệch nồng độ muối và tạo thành cột băng giữa lòng đại dương.

Khi lớp băng xung quanh brinicle dày lên đến mức nhất định, cột băng này có thể tự duy trì độ lạnh của nó và kéo dài mãi ra dù gặp dòng nước ấm dưới đáy biển.

Năm 2011 đoàn quay phim BBC của Anh đã trở thành những người đầu tiên ghi lại toàn bộ quá trình hình thành cột băng tử thần.

Đoạn video được đoàn làm phim BBC quay dưới nước ở nhiệt độ -2 độ C tại đảo Little Razorback, thuộc quần đảo Ross tại Nam Cực. Toàn bộ quá trình hình thành cột băng brinicle diễn ra rất nhanh, chỉ mất 5-6 tiếng.

Khi chạm đến đáy biển, cột băng ngay lập tức lan rộng quanh bề mặt và đóng băng mọi thứ xung quanh, ngay cả những loài sinh vật sống. Khu vực chịu ảnh hưởng có thể rộng tới hàng kilomet vuông. Trong video, những con nhím và sao biển chậm chạp bị đông cứng ngay khi tiếp xúc với hơi lạnh toát ra từ brinicle.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng những thành phần có trong khối nước mặn hình thành nên brinicle có thể là nguồn gốc sự sống trên Trái Đất. Mật độ các chất hóa học, acid và chất béo rất cao của nó có thể đã cung cấp năng lượng cần thiết để cho ra đời những nguyên tử phức tạp như ADN.

Minh Hoa (t/h theo Zing, VnExpress)