Chính sách

Hết tổng kiểm tra giao thông, CSGT có được dừng xe kiểm tra giấy tờ?

CSGT có quyền yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe để kiểm tra giấy tờ. Tuy nhiên, khi muốn xử phạt thì CSGT phải chứng minh được vi phạm của người đi đường.

Hôm nay 15/6, chính thức kết thúc một tháng triển khai đợt cao điểm tổng kiểm soát phương tiện giao thông (từ ngày 15/5 đến 14/6), ý thức chấp hành của người tham gia giao thông đã có chuyển biển tích cực. Hầu hết các lái xe đều mang đầy đủ giấy tờ; số vi phạm về tốc độ và nồng độ cồn... giảm sâu.

Vậy, hết đợt tổng kiểm tra phương tiện tham gia giao thông đường bộ, cảnh sát giao thông (CSGT) có được tiếp tục dừng xe để kiểm tra giấy tờ hay không?

Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ. (Ảnh: Hiệp Dương/Hà Nội mới)

Những trường hợp không vi phạm, CSGT vẫn được dừng xe

Tuy hết đợt tổng kiểm tra phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên toàn quốc nhưng theo Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA, CSGT có quyền:

- Dừng các phương tiện đang tham gia giao thông, kiểm soát giấy tờ của phương tiện, giấy tờ tùy thân của người điều khiển phương tiện…

- Xử lý các hành vi vi phạm giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông, ùn tắc, cản trở giao thông…

Đặc biệt tại Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA, CSGT được quyền dừng các loại xe đang đi trên đường trong 05 trường hợp:

- Trực tiếp hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận như: Máy đo tốc độ có ghi hình ảnh; Thiết bị ghi âm và ghi hình; Thiết bị trích xuất dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình … (Căn cứ Nghị định 165/2013/NĐ-CP);

- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục CSGT hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;

- Thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

- Có văn bản đề nghị về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự… Trong đó, phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý…

- Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Như vậy, CSGT được phép dừng xe của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc dừng xe phải đảm bảo 3 nguyên tắc:

- An toàn, đúng quy định;

- Không làm cản trở hoạt động giao thông;

- Khi đã dừng phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý theo quy định.

CSGT có nghĩa vụ chứng minh vi phạm của người đi đường?

Từ phân tích ở trên, CSGT có quyền trực tiếp phát hiện hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật để phát hiện lỗi của người tham gia giao thông. Lúc này, khi dừng xe, CSGT phải lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định.

Nếu người vi phạm yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi, thu được hành vi vi phạm thì CSGT phải cho xem ngay tại chỗ khi đã có hình ảnh, kết quả thu được. Nếu chưa có ngay thì hướng dẫn người vi phạm đến trụ sở đơn vị để xem (Căn cứ Điều 14 Thông tư 01/2016/TT-BCA).

Ngoài ra, tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012, CSGT khi xử phạt hành chính phải có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm; người tham gia giao thông cũng có quyền chứng minh bản thân không vi phạm.

Do đó, người đi đường có thể yêu cầu CSGT đưa hình ảnh, kết quả thu được về hành vi vi phạm giao thông của mình. Nếu tại đó không có thì có thể đến trực tiếp trụ sở của đơn vị để giải quyết.

Trong trường hợp không phát hiện vi phạm thì CSGT cũng phải thông báo và nói: “Cảm ơn ông (bà, anh, chị…) đã giúp đỡ lực lượng CSGT làm nhiệm vụ”.

Như vậy, CSGT có quyền yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe để kiểm tra giấy tờ. Tuy nhiên, khi muốn xử phạt thì CSGT phải chứng minh được vi phạm của người đi đường.

Bị CSGT dừng xe khi không có lỗi, phải làm gì?

Bởi CSGT có quyền dừng xe kiểm tra giấy tờ của người tham gia giao thông và có nghĩa vụ phải chứng minh lỗi này nếu xử phạt vi phạm. Trong trường hợp không chứng minh được mà cố tình xử phạt thì người tham gia giao thông có quyền khiếu nại.

Việc khiếu nại có thể được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua đơn khiếu nại. Trong đó, đơn khiếu nại phải có các nội dung:

- Ngày, tháng, năm khiếu nại.

- Tên, địa chỉ người khiếu nại; Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại.

- Lý do khiếu nại.

- Tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại.

- Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

Ngoài ra, Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 nói rõ, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt trừ khi quyết định xử phạt đã được tạm đình chỉ.

Như vậy, khi bị CSGT xử phạt, người tham gia giao thông vẫn phải nộp phạt. Sau đó, nếu không đồng ý với quyết định xử phạt thì phải khiếu nại trong thời gian 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định, hành vi hành chính.

Hoàng Mai