Tài chính - Ngân hàng

Hết room tín dụng, ngân hàng hỗ trợ lãi suất cũng không giải quyết được vấn đề

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có kênh huy động cổ phiếu, trái phiếu, không được tiếp cận thêm vốn tín dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ở trong nước, room tín dụng cho các ngân hàng hiện chưa được mở khiến nhiều doanh nghiệp căng thẳng về nguồn vốn để kinh doanh, đầu tư.

Thông thường, cuối tháng 6 thường là thời điểm Ngân hàng Nhà nước có quyết định mở room tín dụng nên đây hiện là chủ đề nóng của các doanh nghiệp trước nhiều kịch bản được mở ra.

Tại tọa đàm "Chọn Danh Mục" do Báo đầu tư tổ chức ngày 16/6, các chuyên gia đã cùng thảo luận về vấn đề room tín dụng của ngân hàng cũng như triển vọng kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp ngân hàng trong thời gian tới.

Nới room tín dụng là rất cấp thiết

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết "việc nới room tín dụng là yêu cầu bức thiết". Ông Thời dẫn số liệu, theo thống kê, đến tháng 6, room tín dụng ngân hàng đạt 8,13%, ông đánh giá đây là mức thấp và gần như các tổ chức tín dụng đã hết room.

Ông Thời lấy thêm ví dụ: một Ngân hàng của Hàn Quốc hoạt động tại tỉnh Thái Nguyên đã hết room tín dụng dù mới đến tháng 6. Ngân hàng này còn tiền song không còn room để có thể cho vay.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thời, đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đều phụ thuộc lớn vào nguồn vốn từ tín dụng. "Những doanh nghiệp lớn còn có kênh huy động vốn là cổ phiếu, trái phiếu nên không cần quá lo lắng", ông nói.

Chi tiết hơn, ông Thời nhận định với những doanh nghiệp lớn, đã có thương hiệu thì việc giải quyết vấn đề vốn không quá khó. Ông lấy dẫn chứng cụ thể tại TNG, đợt vừa rồi doanh nghiệp của ông đã phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu để có vốn phục vụ trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư. Ông Thời tiết lộ có 8 nhà đầu tư đã chuyển tới 500 tỷ đồng, tuy nhiên nhu cầu hiện tại của TNG chỉ cần 300 tỷ đồng nên sẽ chuyển lại.

Ông cho biết câu chuyện huy động vốn của doanh nghiệp lớn được hiểu đơn giản: một bên cần vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh, một bên có tiền cũng cần tìm đến kênh gửi tiền.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không được tiếp cận thêm vốn tín dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Huy động vốn qua kênh cổ phiếu, trái phiếu là tốt song những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không thể làm được.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết "việc mở zoom tín dụng là yêu cầu bức thiết".

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nhận định nếu room tín dụng không nới thì chương trình hỗ trợ lãi suất 2% của Ngân hàng Nhà nước từ nguồn ngân sách 40.000 tỷ đồng cũng không giải quyết được vấn đề do doanh nghiệp không được vay. "Việc nới room tín dụng, tôi nghĩ có room tín dụng giữ được ổn định là ở mức 14-15%, đã từng có thời kỳ lạm phát lên tới hơn 20%, room tín dụng hiện tại ở mức hơn 8% là mức vẫn còn thấp", ông nói.

Ông Thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép mở room tín dụng. "Việc kiềm chế lạm phát là nhu cầu bức thiết nhưng việc doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng thì còn cấp thiết hơn nhiều", ông Thời nói.

Thận trọng với việc cấp room tín dụng mới

Cũng tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho biết vấn đề mở room tín dụng mới cho các ngân hàng là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo bà Lam, Ngân hàng Nhà nước hiện thận trọng với việc cấp room tín dụng mới cho các ngân hàng, đặc biệt khi lạm phát đang cao và nhiều tài sản có dấu hiệu bong bóng.

"Theo quan sát nhiều năm trước, chúng tôi nhìn thấy thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7 là thời điểm điều chỉnh room thứ 2 và đến cuối năm, tức khoảng cuối quý III, đầu quý IV là đợt điều chỉnh cuối cùng. Việc sản xuất xuất, tiêu dùng tập trung ở quý cuối năm nhiều nên room tín dụng được mở ở thời điểm đó nhiều hơn so với đợt giữa năm", bà nói.

Bà Lam cho biết, cuộc họp gần đây của Ngân hàng Nhà nước đã cho thấy room tín dụng năm 2022 vẫn ở mức khoảng 14% và được điều tiết theo giải ngân của gói cấp bù lãi suất hỗ trợ 2%. "Năm nay, dòng tín dụng sẽ được đi vào các nhóm ngành sản xuất và các nhóm ngành ưu tiên khác chứ khó có sự lan tỏa ra tất cả lĩnh vực khác", Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho hay.

Room tín dụng không ảnh hưởng đến KQKD của Ngân hàng

Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc hết room sớm trong khi Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cấp hạn mức mới sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng. 

Bà Nguyễn Thị Phương Lam cho biết mức dự phóng tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index là 22% so với cùng kỳ được đóng góp chủ yếu ở 2 nhóm ngành lớn là ngân hàng và bất động sản.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam cho biết mức dự phóng tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index là 22% so với cùng kỳ được đóng góp chủ yếu ở 2 nhóm ngành lớn là ngân hàng và bất động sản.

Tại nhóm ngân hàng, bà Lam vẫn giữ quan điểm tăng trưởng tích cực. Bà Lam chỉ ra, kịch bản tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức khoảng 14%. Ngoài ra, NIM (mức chênh lệch giữa thu từ lãi và chi phí trả lãi mà ngân hàng có thể đạt được) của các Ngân hàng vẫn duy trì ổn định mà không bị giảm. Bên cạnh đó, chi phí tín dụng sẽ giảm sau khi nhiều doanh nghiệp đã đi vào hoạt động trở lại. "Chúng tôi kỳ vọng ngành ngân hàng có thể duy trì được mức lợi nhuận 2 chữ số", bà Lam nói.

Còn với ngành bất động sản, lợi nhuận phụ thuộc vào yếu tố bất ngờ và tính mùa vụ (rơi vào quý IV). Với định hướng điều hành chính sách tiền tệ hiện tại, bà Nguyễn Thị Phương Lam cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản bán dự án, hoặc bán sỉ đất sẽ khó hoàn thành kế hoạch hơn so các doanh nghiệp khác.

"Do đặc điểm của doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc vào tiến độ thi công công trình và khả năng bàn giao nhà đúng hạn nhiều hơn nên tôi cho rằng diễn biến lạm phát sẽ làm chậm lại việc thi công của các doanh nghiệp này, tuy nhiên ảnh hưởng sẽ không quá lớn", bà nói. Chính vì vậy, theo bà Lam, mức điều chỉnh lợi nhuận dự báo của nhóm bất động sản có thể nhiều hơn so với mặt bằng chung thị trường.

"Tăng trưởng EPS năm nay có thể điều chỉnh về mức quanh 20%. P/E hơn 13 lần. So với nhiều năm gần đây, những con số này vẫn là mức hấp dẫn của thị trường", bà nói.