Cuộc sống số

Hệ thống Hocmai bị “tấn công” sau khi thầy Vũ Khắc Ngọc “tẩy chay” AirVisual

Sau khi thầy Vũ Khắc Ngọc kêu gọi “tẩy chay” AirVisual, hệ thống Giáo dục Hocmai đã vô tình gặp phải “bão” dư luận.

Chiều 9/10, hệ thống Giáo dục Hocmai đã có thư gửi báo chí, thông tin về vụ việc thầy Vũ Khắc Ngọc đăng bài viết trên trang cá nhân kêu gọi “tẩy chay” ứng dụng AirVisual tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều.

Theo đại diện của hệ thống Hocmai, sự việc không những gây ảnh hưởng đến hoạt động của AirVisual, mà còn vô tình kéo theo những ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của hệ thống cũng như đội ngũ hàng trăm cán bộ công nhân viên, giáo viên đang công tác và hợp tác với Hocmai.

Cụ thể, trên tất cả các kênh truyền thông của hệ thống đã liên tục phải hứng chịu sự tấn công của các tài khoản “quá khích”. Toàn bộ hệ thống fanpage trên các mạng xã hội, địa chỉ doanh nghiệp trên Google, ứng dụng trên kho ứng dụng Google Play và Apple Store đã nhận hơn 10.000 đánh giá tiêu cực.

Ứng dụng AirVisual từng "ở ẩn" 2 ngày sau khi tài khoản Facebook Vũ Khắc Ngọc kêu gọi "tẩy chay", hiện đã quay trở lại.

Đỉnh điểm vào ngày 8/10/2019, các trang mạng xã hội Facebook, Google, YouTube của hệ thống Hocmai đã nhận hàng nghìn bài viết đánh giá tiêu cực 1*, các bình luận nhục mạ, công kích. Thậm chí, nhiều cư dân mạng còn khủng bố tin nhắn, bình luận, gọi điện tới hệ thống với lời lẽ tẩy chay, phá hoại, đe dọa tấn công...

Điều này đã vô tình khiến hình ảnh của hệ thống Giáo dục Hocmai xấu đi trong mắt phụ huynh và học sinh. Nhiều bậc phụ huynh và học sinh tỏ ra hoang mang, lo ngại về hoạt động của hệ thống.

Trước diễn biến này, hệ thống Giáo dục Hocmai cho rằng: “Thứ nhất, mỗi cá nhân đều có quyền nêu quan điểm và phải có trách nhiệm với các hành động, phát ngôn của mình. Do vậy, Hocmai tôn trọng quyền đưa ra ý kiến, quan điểm cá nhân của thầy Vũ Khắc Ngọc.

Thứ hai, trong sự việc với AirVisual, hệ thống tôn trọng quyền đưa ra quan điểm của thầy Vũ Khắc Ngọc, nhưng không không có nghĩa là tán thành với quan điểm của thầy.

Thứ ba, hiện tại, thầy Vũ Khắc Ngọc là một trong số rất nhiều các giáo viên giảng dạy tại hệ thống; mối quan hệ giữa thầy Ngọc và hệ thống là mối quan hệ hợp tác xây dựng các khóa học cho học sinh. Sự việc vừa qua không liên quan đến vấn đề hợp tác chuyên môn. Việc đánh đồng quan điểm cá nhân về một sự việc cụ thể và một tổ chức có tôn chỉ và mục đích hoạt động khác nhau là không phù hợp”.

Địa diện Hệ thống Giáo dục Hocmai cũng bày tỏ: “Hệ thống Giáo dục Hocmai mong muốn các có sự nhìn nhận rành mạch và khách quan, đảm bảo sự công bằng cho các chủ thể liên quan đến sự việc này, tránh các hành vi công kích vô cớ đang diễn ra ồ ạt”.

Cộng đồng mạng liên tục công kích tài khoản Facebook Vũ Khắc Ngọc và hệ thống Giáo dục Hocmai sau sự việc trên.

Trước đó, tài khoản Facebook của thầy giáo Vũ Khắc Ngọc với gần 180.000 lượt theo dõi, đã đăng tải bài viết kêu gọi mọi người “tẩy chay” AirVisual sau khi ứng dụng này thống kê Hà Nội lọt top những khu vực ô nhiễm nhất thế giới.

Sau khi tài khoản Vũ Khắc Ngọc phát động chiến dịch “tẩy chay” ứng dụng theo dõi chất lượng không khí Air Visual, đã gây nhiều hệ quả bất lợi cho nhà phát triển ứng dụng, một trong số đó là khiến nhà phát triển ứng dụng phải chặn quyền truy cập ở Việt Nam.

Tuy nhiên, sau đó, tài khoản Vũ Khắc Ngọc đã gửi lời xin lỗi tới đội ngũ phát triển AirVisual trên trang cá nhân của mình với nội dung: “Trong những ngày qua, vấn đề ô nhiễm không khí đột nhiên trở thành mối quan tâm lớn của người dân Việt Nam. Các số liệu được cung cấp bởi Airvisual đã gây ra những tranh cãi, hoài nghi về tính chính xác, khách quan cả trong công chúng và các chuyên gia môi trường. Do chúng tôi chưa được cung cấp thông tin chi tiết về cách thức Airvisual thu thập thông tin, bố trí các điểm quan trắc, tính tin cậy của phương pháp đo, độ chính xác của thiết bị đo, cách hiệu chỉnh sai lệch giữa các lần đo, cách tính giá trị trung bình, quy trình vệ sinh các đầu do sau khi đo,...

Bên cạnh đó, thông tin về việc “Hà Nội đứng số 1 trong số các thành phố ô nhiễm nhất thế giới” lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội ở Việt Nam gây ra nhiều hoang mang. Rất nhiều trang web nhắc lại thông tin này và phần lớn người dân, trong đó có tôi đều hiểu rằng cách sắp xếp đó đưa Hà Nội trở thành “thành phố ô nhiễm nhất thế giới”.

Do nhận thấy việc sắp xếp này có phần không hợp lý khi bỏ qua nhiều thành phố lớn có tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hơn nhiều so với Hà Nội (thể hiện trên chính các số liệu quan trắc của AirVisual), tôi có phân tích điểm những điểm bất thường đó trên trang cá nhân của tôi. Việc này có thể đã dẫn tới những phản hồi tiêu cực của người dùng trên các trang fanpage và chợ ứng dụng đối với AirVisual….

Tôi rất lấy làm tiếc khi những đánh giá tiêu cực về AirVisual gây ảnh hưởng, trở ngại tới hoạt động của ứng dụng này ở Việt Nam. Tôi hy vọng khi những hiểu lầm về cách xếp hạng của AirVisual đã được làm rõ, các bạn sẽ nhanh chóng trở lại hoạt động tại Việt Nam, cung cấp nhiều thông tin hữu ích, xác thực và có những đóng góp tích cực trong việc đưa ra các giải pháp cải thiện chất lượng không khí tại các thành phố lớn của chúng tôi”.