Tiêu điểm

ĐBQH cảnh báo hệ luỵ khủng khiếp khi con người bị mua đi bán lại như món hàng

Đại biểu Quốc hội cho biết, trong số các vụ mua bán người không hiếm những vụ mua bán trẻ em mà người thực hiện hành vi lại chính là các bậc cha mẹ của các em.

Tác động xấu tới đạo đức, tâm lý xã hội

Chiều 8/11, tiếp tục chương trình kỳ họp 4, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC); công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật cũng còn một số tồn tại, hạn chế.

Trong đó, đại biểu Việt Nga cho hay, trong số nhiều loại tội phạm giảm rõ rệt thì một số loại tội phạm tiếp tục gia tăng, mặc dù nhiều năm qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương vào cuộc quyết liệt để phòng chống. Đó là nhóm các loại tội phạm về trật tự xã hội liên quan đến sự suy đồi đạo đức, xuống cấp đạo đức xã hội.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu thảo luận tại hội trường.

Cụ thể là tội cưỡng dâm người từ 13 đến 16 tuổi, tăng cả số vụ và số đối tượng, tội dâm ô với người dưới 16 tuổi tăng cả số vụ và số đối tượng. Tội giết người, tội giết người thân, mua bán người cũng tăng cả số vụ và số đối tượng.

Đặc biệt là trong số các vụ mua bán người không hiếm những vụ mua bán trẻ em mà người thực hiện hành vi bán trẻ em lại chính là các bậc cha mẹ của các em. Đại biểu cho rằng, đây là vấn đề vô cùng nhức nhối.

“Khi tính mạng của con người bị coi thường; khi nhân phẩm của con người bị chà đạp, khi con người bị một số đối tượng hám lợi trước mắt bất chấp quy định và đạo đức mua đi bán lại như một món hàng thì hệ lụy khủng khiếp của nó không chỉ nằm ở chỗ gây thiệt hại về kinh tế, về tính mạng con người mà còn tác động vô cùng xấu tới đạo đức và tâm lý xã hội”, đại biểu nhấn mạnh.

Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành quan tâm đẩy mạnh những giải pháp toàn diện nâng cao hiệu lực, hiệu quả của những quy định về bảo vệ trẻ em trước nạn xâm hại trẻ em, mua bán trẻ em và bạo hành trẻ em ngày càng trở nên nhức nhối.

Ngăn chặn, giảm nguy cơ tội phạm xâm hại trẻ em

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) bày tỏ, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng gia tăng cao, diễn biến phức tạp và đáng báo động. Đây là một trong những tội phạm rất nguy hiểm, không chỉ gây ra thiệt hại cho xã hội, làm băng hoại nền tảng đạo đức, mà còn gây ra tổn thương nặng nề về thể chất và tâm lý, rất khó khắc phục với nạn nhân.

Từ thực tế trên, đại biểu Ngọc Xuân kiến nghị cần xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả, là công cụ hữu hiệu nhất trong hoạt động bảo vệ quyền trẻ em.

Bên cạnh đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp, các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện, tăng mạnh các chế tài hình sự đối với hành vi xâm hại trẻ em nhằm tạo ra lá chắn pháp lý vững chắc, bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại.

Đồng thời đề nghị Chính phủ bổ sung, trong đó cần đánh giá rõ nhiệm vụ, tỉ lệ thụ lý giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em theo nghị quyết của Quốc hội để tìm ra giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo vệ trẻ em kịp thời và hiệu quả hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng kiến nghị Bộ Công an, ngành tư pháp ở Trung ương và cấp tỉnh, hàng năm cần có kế hoạch liên tịch đào tạo, mở lớp tập huấn về kỹ năng lấy lời khai đối với người dưới 16 tuổi cho Điều tra viên, kiểm soát viên, thẩm phán để giải quyết các vụ án tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Cần tổ chức họp liên ngành giữa các cơ quan tố tụng để kịp thời trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án này, đồng thời phải phân công cán bộ, công chức có đạo đức, năng lực, có nhiều kinh nghiệm trong quá trình giải quyết vụ án liên quan đến trẻ em.

Các ngành Tư pháp cần xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, chủ động phối hợp để xác minh, thu thập chứng cứ, giám định, điều tra, truy tố, xét xử từ khi tiếp nhận thông tin trẻ em bị xâm hại.

Trong đó, quy định rõ thủ tục, quy trình và trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại của các cơ quan nhà nước, của các tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình.

Ngoài ra, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, có kế hoạch phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ tội phạm xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần bố trí đủ nguồn lực trong tuyên truyền và thực thi pháp luật về trẻ em, có kế hoạch phân công, giám sát tổ chức, cá nhân và các địa bàn có nguy cơ xâm hại trẻ em cao để có những giải pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả nhất.