Hồ sơ điều tra

Hé lộ “quy định ngầm” của trường Đông Đô và “hoa hồng” môi giới

Nhiều cán bộ trường Đại học Đông Đô khai, mỗi năm phải “môi giới, lôi kéo” ít nhất 4 – 10 hồ sơ làm giả văn bằng 2 về cho trường theo chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT.

Chiều ngày 23/12, TAND Tp.Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án giả mạo trong công tác, xảy ra tại trường Đại học Đông Đô.

Giữ nguyên phần trả lời lúc sáng, bị cáo Trần Kim Oanh, cựu Phó Hiệu trưởng xác nhận, ông Trần Khắc Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo Trường Đại học Đông Đô là người đặt quy định, mỗi nhân viên của trường phải “môi giới, lôi kéo” về cho trường, mỗi năm ít nhất 4 - 10 hồ sơ xin làm giả văn bằng 2.

Bị cáo Trần Kim Oanh trả lời thẩm vấn (Ảnh Hữu Thắng).

Bị cáo này nói thêm, việc này được quy định cụ thể trong các văn bản quy định của trường, được ban hành công khai.

“Với mỗi hồ sơ “kéo về” cho trường, nhân viên được trường trích lại và chia cho ít nhất 7 triệu đồng, tuỳ theo số tiền học phí mà học viên nộp. Đây được gọi là tiền thưởng, do nhà trường quy định chứ không phải tiền học viên cảm ơn”, - đây cũng là lý giải cho số tiền 48 triệu đồng mà bị cáo Oanh được hưởng lợi bất chính.

Tiếp tục trả lời thẩm vấn, bị cáo Lê Ngọc Hà, cựu Phó Hiệu trưởng, kiêm Phó Viện trưởng Viện 4.0, Trưởng ban in bằng trường Đại học Đông Đô khai nhận: Bản thân biết rõ việc làm và cấp văn bằng 2 Tiếng Anh không qua tuyển sinh, đào tạo là vi phạm pháp luật.

Bị cáo Lê Ngọc Hà, cựu Phó Hiệu trưởng trường Đông Đô trả lời HĐXX (Ảnh Hữu Thắng).

Nhưng vì thực hiện chỉ đạo từ bị cáo Trần Khắc Hùng, cộng thêm động cơ vụ lợi nên từ tháng 10/2018 đến tháng 03/2019, bị cáo Hà đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới tiếp nhận hồ sơ, tổ chức hợp thức bài thi để cấp bằng giả.

Bản thân bị cáo Hà cũng khai nhận rõ trực tiếp ký 22 giấy đề nghị in bằng giả cho 309 cá nhân, ký 11 bảng điểm.

Trước nội dung nay, cơ quan điều tra làm rõ 127 trường hợp được cấp bằng giả, xác định được tên tuổi, nơi cư trú, chức vụ, đơn vị công tác; còn lại 182 trường hợp được cấp bằng giả không xác định được những thông số trên.

“Hành vi của Lê Ngọc Hà đã đồng phạm với Trần Khắc Hùng, tích cực thực hiện hành vi phạm tội. Thông qua việc thực hiện hành vi trên, Lê Ngọc Hà được hưởng lợi 100 triệu đồng”, cơ quan tố tụng nhận định.

Xác nhận lại số tiền 100 triệu đồng được hưởng lợi bất chính, bị cáo Hà thừa nhận đó là tiền công “môi giới” được nhiều hồ sơ. Về số lượng người đã môi giới, Hà không nhớ rõ. Hà chỉ nhớ mỗi học viên nộp cho mình từ  29- 35 triệu đồng học phí để nhận được bằng.

“Tổng số tiền “học phí” bị cáo nhận từ những học viên này là 1,8 tỷ đồng. Bị cáo nộp 800 triệu đồng về quỹ của trường. Sau khi có xì xào về việc trường làm bằng giả, một số học viên đòi lại tiền, nên bị cáo phải trả lại họ 900 triệu đồng, còn giữ lại 100 triệu đồng”, bị cáo Hà khai nhận.

Truy nguồn gốc số tiền học viên nộp để lấy bằng giả, HĐXX thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thị Huệ - cựu Trưởng phòng tài vụ. Bị cáo này khai: Bị cáo không được đánh dấu hay mã hoá riêng trong các tài liệu thu chi của trường. Việc đóng học phí có thể nộp ngay khi đăng ký, cũng có thể nộp trước khi lấy bằng, nhưng bị cáo Huệ chắc chắn “chưa nộp tiền thì chưa được nhận bằng”.

Cơ quan tố tụng xác định, Huệ biết rõ việc hợp thức hồ sơ để làm và cấp văn bằng 2 hệ chính quy ngôn ngữ Tiếng Anh là vi phạm pháp luật, nhưng vì động cơ vụ lợi, bị cáo vẫn “nhắm mắt thực hiện”. Huệ được hưởng lợi 65 triệu đồng từ hành vi phi pháp nêu trên.

Đại diện trường Đại học Đông Đô, Hiệu trưởng đương nhiệm, ông Lê Ngọc Tòng khai “không rõ” về lượng tiền thu bất chính hay việc sử dụng số tiền này như thế nào, do mới về trường từ cuối năm 2019, sau khi vụ án đã xảy ra.

Ông Lê Ngọc Tòng cho biết, các nguồn thu được sử dụng chung cho rất nhiều hoạt động của trường, không thể phân định tiền thu từ nguồn nào sẽ sử dụng cho việc nào.