Tiêu điểm thế giới

Hé lộ bí mật chưa từng công bố về hoạt động của S-300 ở Syria và “mồi bẫy” bất ngờ

Bí mật lớn nhất mà công ty ImageSat International chưa đưa ra được câu trả lời nằm ở bệ phóng thứ 4, cũng được triển khai bên cạnh 3 bệ phóng S-300 được cho là đã đi vào hoạt động. Bệ phóng thứ 4 này dường như chưa được đưa vào hoạt động và nhiều khả năng chỉ đóng vai trò là "hàng giả", hoặc làm "mồi bẫy".

Theo Times of Israel, công ty vệ tinh quốc tế ImageSat International cho biết 3 trong 4 bệ phóng tên lửa S-300 của Nga cho thấy đã sẵn sàng hoạt động và Israel đã đe dọa phá hủy bệ phóng này nếu vũ khí này được sử dụng để tấn công các máy bay của Israel.

Công ty phân tích hình ảnh vệ tinh của Israel hôm 19/2 khẳng định hệ thống phòng không S-300 uy lực của Syria đã “có thể hoạt động” và đây chính là mối đe dọa lớn với chiến dịch tấn công của Israel vào Iran ở quốc gia Trung Đông này.

Công ty ImageSat International cho thấy 3 trong 4 bệ phóng của S-300 đã sẵn sàng ở tư thế hoạt động và sẵn sàng được quân đội Syria sử dụng.

“Hình ảnh 3 bệ phóng tên lửa đã được dựng được ghi lại ở nhiều thời điểm tại Syria cho thấy vũ khí này có thể đã hoạt động”, thông cáo của công ty có đoạn.

Hệ thống phòng thủ S-300 của Nga được chuyển tới Syria hồi cuối năm ngoái

Tuy nhiên, bí mật lớn nhất mà công ty ImageSat International chưa đưa ra được câu trả lời nằm ở bệ phóng thứ 4, cũng được triển khai bên cạnh 3 bệ phóng nêu trên. Theo hình ảnh mà công ty này ghi nhận được thì bệ phóng này chưa được dựng lên và hiện vẫn đang ở tư thế nằm trên bệ phóng.

Bệ phóng thứ 4 này dường như chưa được đưa vào hoạt động và nhiều khả năng chỉ đóng vai trò là "hàng giả", hoặc làm "mồi bẫy".

Israel đã đe dọa phá hủy hệ thống phòng không S-300 nếu hệ thống vũ khí này được sử dụng để tấn công các máy bay của Israel bất chấp điều này có thể khiến Nga nổi giận. Nga chính là nước đã chuyển hệ thống phòng thủ S-300 cho Syria.

Hôm 5/2, dựa vào các dữ liệu thu được công ty ImageSat International cho biết hệ thống phòng không được đặt ở căn cứ Masyaf Tây Bắc Syria đã chuẩn bị được đưa vào hoạt động.

Đây là lần đầu tiên các hình ảnh ghi lại cho thấy các bệ phóng này đã trong trạng thái hoạt động.

Hôm 19/2, công ty ImageSat International khẳng định có được thêm những hình ảnh về hệ thống phòng thủ này vào ngày 9/2 nhờ sử dụng công nghệ SAR.

Sau khi máy bay do thám Nga bị phòng không Syria bắn hạ trong một đợt không kích của Israel vào tháng 9/2018, Moscow thông báo nước này sẽ cung cấp hệ thống phòng không tân tiến S-300 cho Syria. Nga cũng công khai đổ lỗi cho Israel vì đã gây nên sự việc này, khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng. Phía Nga cho rằng các phi công Israel đã dùng máy bay do thám của Nga như là lá chắn.

Israel phá hủy cáo buộc này của Nga và đổ lỗi cho phòng không Syria đã gây nên vụ việc.

Nga khẳng định hệ thống S-300 đã được đưa tới Syria sau vụ việc hồi tháng 9 với mục tiêu là để “hạ nhiệt những đầu nóng” ở khu vực.

Ngoài hệ thống phòng không, Moscow cũng cung cấp cho Syria radar, hệ thống mục tiêu và các trung tâm chỉ huy mới.

Kể từ khi hệ thống phòng thủ này được chuyển giao cho Syria vào tháng 10 năm ngoái, Nga đã huấn luyện các lực lượng Syria vận hành vũ khí này.

Hồi tháng 11 năm ngoái, công ty ImageSat International cũng công khai các bức ảnh về S-300 và các hình ảnh khi đó cho thấy hệ thống phòng thủ này chưa hoạt động.

Trong nhiều năm, Israel đã tiến hành chiến dịch chống lại đồng minh của Damascus là Iran nhằm ngăn cản Iran hiện diện quân sự lâu dài ở Syria. Thời gian gần đây, hai nước đã công khai lên án nhau.  

Những thắng lợi của Syria cũng như sự hiện diện của hệ thống S-300 đánh dấu sự cải thiện đáng kể trong khả năng phòng không của mình. Tuy nhiên, Israel được cho là có thể phá hủy hệ thống phòng thủ này dù cho điều này có thể làm tổn thương ngoại giao lớn với Nga, quốc gia quyền lực nhất trong khu vực này.

Năm ngoái, quân đội Syria tuyên bố nước này tin rằng S-300 sẽ ngăn chặn được các cuộc không kích của  Israel khi triển khai tấn công vào các mục tiêu ở quốc gia Trung Đông này.

Đầu tháng này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố ông sẽ sang Moscow vào ngày 21/2 để đàm phán với Tổng thống Nga Putin. Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên kể từ khi Nga đổ lỗi cho Israel bắn hạ máy bay do thám của Moscow tháng 9 năm ngoái.

Ông Netanyahu khẳng định các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào các nỗ lực của Iran trong việc thiết lập sự hiện diện quân sự ở Syria.

Người đứng đầu Israel đã gặp ông Putin nhiều lần kể từ khi Nga tiến hành can dự vào cuộc nội chiến Syria năm 2015. Và Nga cùng với Iran đã đấu tranh để bảo vệ Tổng thống Syria Assad.

Quan hệ ngoại giao giữa Israel và Nga đã bị giảm sút kể từ sau vụ máy bay do thám Nga bị bắn hạ. Tuy nhiên, sự hợp tác quân sự giữa hai nước vẫn tiếp tục với việc các đoàn ngoại giao Israel đã nhiều lần sang Nga.

Ông Netanyahu cũng ghi nhận mối quan hệ thân thiết với ông Putin khi Moscow cho phép Israel tiếp tục sử dụng lực lượng không quân ở Syria để chống lại Iran. Người đứng đầu Israel cũng nhiều lần tìm gặp ông Putin kể từ sau vụ máy bay Nga bị bắn nhầm.

Israel khẳng định nước này đã triển khai hàng trăm cuộc không kích vào các mục tiêu có liên quan tới Iran để ngăn Tehran thiết lập sự hiện diện quân sự ở Syria.

Hôm qua, một quan chức quốc phòng Iran cảnh báo rằng nước này có thể sẽ tấn công trở lại với Israel nếu Israel tiếp tục triển khai các cuộc không kích vào lực lượng nước này ở Syria.

Xem thêm >> Cái kết ở Syria: Iran lo sợ mất chỗ đứng, Nga ca khúc "khải hoàn"?