Sự kiện

HĐND TP.HCM tổ chức kỳ họp xem xét nhiều vấn đề cấp bách

Kỳ họp thứ 24 của HĐND TP.HCM khóa IX được tổ chức với nội dung tập trung thảo luận về quy hoạch, ngân sách cho TP.Thủ Đức cùng chính sách với giáo viên mầm non.

Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho TP.Thủ Đức

Sáng 23/3, kỳ họp thứ 24 của HĐND TP.HCM khóa IX nhiệm kỳ 2016 – 2021 được tổ chức. Nội dung của kỳ họp chuyên đề này tập trung thảo luận về quy hoạch, ngân sách cho TP.Thủ Đức bên cạnh chính sách đối với giáo viên mầm non trên địa bàn. 

Trước đó, UBND TP.HCM lần lượt có Tờ trình số 692 và 693 gửi HĐND TP.HCM vào ngày 11/3 để phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho TP.Thủ Đức và tỷ lệ phần trăm chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách trên địa bàn TP.Thủ Đức năm 2021.

Cùng với đó là huỷ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021 của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để giao chỉ tiêu cho TP.Thủ Đức.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên (bìa phải) trao đổi với Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Đức Hải tại kỳ họp. Ảnh: Hà Nhân.

Thực hiện theo Quyết định số 109/QĐ-UBND ngày 11 tháng 02 năm 2019 của UBND TP.HCM, đến nay các đơn vị y tế trực thuộc UBND quận, huyện đã được tổ chức lại thành các đơn vị y tế trực thuộc sở Y tế TP.HCM.

Do đó, sự nghiệp y tế của quận, huyện không còn nhiệm vụ chi cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh. Vì vậy, không giao nhiệm vụ chi cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh của sự nghiệp y tế cho TP.Thủ Đức.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng đề xuất không giao nhiệm vụ chi đầu tư các công trình thuộc Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn TP.HCM được UBND TP.HCM ban hành tại Quyết định số 2598/QĐ-UBND ngày 27 tháng 5 năm 2014 và các văn bản quy định pháp luật hiện hành cho TP.Thủ Đức.

Bởi, theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội, phạm vi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là “các xã trên phạm vi cả nước”.

Trong khi đó, các đơn vị hành chính cấp xã của TP.Thủ Đức là phường nên không thuộc phạm vi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trên địa bàn TP.Thủ Đức không có rừng nên tờ trình của UBND TP.HCM khẳng định “không giao nhiệm vụ chi liên quan đến công tác bảo vệ rừng (như chỉ duy tu, bảo dưỡng các trại lâm nghiệp; chi bảo vệ, phòng chống cháy rừng)” cho địa phương này.

Để hoạt động của TP.Thủ Đức đảm bảo, UBND TP.HCM trình HĐND TP này thông qua kế hoạch sắp xếp, chuyển dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2021 của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức cho TP.Thủ Đức.

Cụ thể, quận 2 có nguồn thu ngân sách Nhà nước là 3.834 tỷ đồng để chi ngân sách địa phương là 732,2 tỷ đồng, bên cạnh số bổ sung từ ngân sách TP.HCM là gần 232,8 tỷ đồng.

Số liệu tương tự tại quận 9 là 2.243,1 tỷ đồng (thu ngân sách Nhà nước), 1.104,7 tỷ đồng (chi ngân sách địa phương) và 835,5 tỷ đồng (bổ sung từ ngân sách TP.HCM). Quận Thủ Đức có nguồn thu là 2.250,5 tỷ đồng, số chi là 1.318,9 tỷ đồng cùng nguồn được bổ sung là gần 922,2 tỷ đồng.

Như vậy, Tờ trình số 693 của UBND TP.HCM đề xuất giao chỉ tiêu dự toán cho TP.Thủ Đức là thu ngân sách nhà nước với 8.327,6 tỷ đồng. Chi ngân sách địa phương là 3.155,8 tỷ đồng và thêm số bổ sung từ ngân sách TP.HCM là gần 1.990,5 tỷ đồng.

Qua tính toán của UBND TP.HCM, sau khi huỷ dự toán thu, chi của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để giao cho TP.Thủ Đức thì tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, tổng chi ngân sách địa phương cấp huyện và tổng số bổ sung từ ngân sách cấp Thành phố này cho ngân sách cấp huyện năm 2021 là không thay đổi.

An sinh xã hội cho giáo viên mầm non

Một nội dung quan trọng khác là chính sách cho giáo viên mầm non cũng được UBND TP.HCM gửi Tờ trình 670 và 706 đến HĐND TP.HCM.

Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND ngày 14 tháng 6 năm 2014 của HĐND TP.HCM về hỗ trợ giáo dục mầm non trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi và tác động mạnh mẽ đến các ngành, các cấp, phối hợp chăm lo giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ mầm non.

Qua đó, mạng lưới trường, lớp mầm non trên địa bàn TP.HCM ngày càng được đầu tư mở rộng, cơ sở vật chất từng bước được đầu tư xây dựng mới, đáp ứng cơ bản nhu cầu nuôi dạy trẻ trên địa bàn.

Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng nâng cao. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên thường xuyên được đào tạo bồi dưỡng, giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp cận nhiều phương pháp tiên tiến vận dụng vào thực hiện chương trình Giáo dục mầm non.

Chính sách hỗ trợ thêm 3 năm đối với giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng, bắt đầu từ năm học 2017 - 2018 đến năm học 2013 - 2020 tại Nghị quyết số 01/2014 của HĐND TP.HCM khoá VIII đã giúp các giáo viên mầm non mới ra trường yên tâm công tác, trụ vững với nghề.

Công việc nặng nhọc của giáo viên mầm non đang được chính quyền TP.HCM quan tâm hỗ trợ.

Tuy nhiên, từ năm học 2020 - 2021, việc hỗ trợ giáo viên mới ra trường được tuyển dụng không còn hiệu lực nên đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên mầm non mới ra trường trong thời điểm hiện nay.

Mặc dù TP.HCM có chính sách hỗ trợ chung cho công chức, viên chức nhưng giáo viên mầm non mới ra trường vẫn là đối tượng có thu nhập thấp.

Mức lương gần 3 triệu đồng/tháng là thấp hơn cả mức lương tối thiểu vùng nhưng giáo viên mầm non có công việc đặc thù nặng nhọc, số lượng trẻ/lớp rất đông.

Giáo viên mầm non không có điều kiện để cải thiện thu nhập vì suốt từ sáng đến chiều tối phải tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.

Khi công việc vất vả mà mức thu nhập thấp, giáo viên mầm non mới ra trường dễ nản, khó trụ vững với nghề, dễ chuyển ngành. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ngành học mầm non rất khó đảm bảo đủ số giáo viên theo quy định.

Vì vậy, UBND TP.HCM kiến nghị HĐND TP.HCM sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 4.2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2014/ NQ-HĐND ngày 14 tháng 6 năm 2014 về hỗ trợ giáo dục mầm non.

Nội dung là điều chỉnh thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng mới về công tác tại các trường mầm non công lập từ năm học 2020 - 2021 đến hết năm học 2024 - 2025. Dự kiến nguồn lực để thi hành Nghị quyết là từ nguồn ngân sách TP.HCM.

Năm đầu được tuyển dụng sẽ hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng cho giáo viên mầm non. Đến năm thứ hai là mức 70% và năm thứ ba giảm còn 50%. Từ năm thứ tư, thực hiện chế độ tiền lương cho giáo viên theo quy định hiện hành.

Hiện nay, trung bình hằng năm, TP.HCM tuyển thêm khoảng 600 giáo viên mầm non mới ra trường. Từ đó, tổng kinh phí hỗ trợ là gần 20 tỷ đồng/năm.