Giáo dục

Hãy thương lấy con trẻ

Việc đa dạng các bộ sách giáo khoa giúp thầy cô và học sinh có thêm nhiều lựa chọn, tuy nhiên trong quá trình biên soạn các bộ sách vẫn còn nhiều bất cập.

Theo quyết định số 31/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 14/6/2002 đã quy định Bảng chữ cái chuẩn cho tiếng Việt gồm 29 chữ cái. Trong đó có chữ “P”. Cũng trong Quyết định số 31 kể trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai cũng đã ký ban hành mẫu chữ viết trong trường tiểu học gồm 29 chữ cái, trong đó có chữ “P”.

Như vậy, bảng chữ cái kể trên đã được quy chuẩn hóa, có tính khoa học, tính pháp lý và tính thống nhất trong phạm vi cả nước. Với việc biên soạn sách giáo khoa ,việc tuân thủ các nguyên tắc kể trên càng phải chặt chẽ với yêu cầu cao nhất. Bởi ý nghĩa khuôn vàng thước ngọc dùng lâu dài cho các thế hệ trẻ trong phạm vi toàn quốc.

Thiết tưởng vai trò chức năng và ý nghĩa khoa học, ý nghĩa giáo dục của sách giáo khoa thì ai cũng rõ, không cần bàn thêm. Nhưng tại sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Kết nối tri thức của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bỏ không dạy chữ “P” và âm “P” (pờ) cho học sinh tiểu học. Bên cạnh đó, điều này phá vỡ cấu trúc khoa học của văn bản tiếng Việt, giao tiếp tiếng Việt. 

Với việc bỏ không dạy chữ “P” và âm “P” (pờ) cho học sinh tiểu học, có bao nhiêu bất cập sẽ xảy ra trong cả nói và viết bằng tiếng Việt. Tất cả các từ có bắt đầu bằng phụ âm “P” như pin, Pa Kô, Pắc Bó , pê đan, penicillin đều phải thay đổi “P” thành “PH”.

Như vậy, nói đã bất cập, các văn bản đã ban hành thì đọc làm sao? Các xuất bản phẩm sẽ xuất bản thì viết ra sao? Đó là chưa kể đến các công trình dịch thuật mà thay thế “P”  bằng “PH” sẽ cho kết quả thế nào ?

 Bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống 

Theo tôi biết, lĩnh vực dược học, hóa học, văn học khi dịch sang tiếng Việt thì tần suất sử dụng chữ “P” là rất lớn. Đó là chưa kể  hàng triệu học sinh tiểu học sẽ què quặt ngay với tiếng mẹ đẻ. Hậu quả ấy có đau lòng không? Và ai sẽ chịu trách nhiệm ?

Việc biên soạn sách giáo khoa là việc vô cùng hệ trọng. Sai sót sẽ để lại hậu quả rất lớn. Sai sót khi sản xuất một chiếc ô tô thì có thể sửa chữa lại và chỉ thiệt về kinh tế.

Sai sót trong sách giáo khoa làm lệch lạc nhận thức, ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của thế hệ trẻ thì sửa thế nào? Thiệt những gì? Việc bỏ không dạy chữ “P”,  âm “P” (pờ)  chỉ là một ví dụ.

Còn khá nhiều sai sót khác trong bộ sách mà mà báo chí đã chỉ ra gần đây. Vậy mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn im lặng.

Không thể bao biện rằng giáo viên rồi sẽ dạy sau, dạy khi có từ phù hợp...v.v...và v.v...

Tôi đề nghị, với việc không dạy chữ hoa và bỏ chữ “P”, âm “P” (pờ), Bộ GD&ĐT thu hồi ngay tập sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 bộ Kết nối tri thức này để  in lại bộ sách giáo khoa cho chuẩn và đúng nhất để con em chúng ta học.

Nhà xuất bản, chủ biên sách cần công khai xin lỗi giáo viên, học sinh và công luận. Hãy thương lấy con trẻ. Hãy kịp thời thay đổi và sửa chữa trước khi quá muộn.

Thảo Dân