Đời sống

Hãy dạy con độ lượng cho mình

Cứ nhìn những đứa trẻ từ bỏ cuộc đời, tôi lại ước giá như chúng đã được học về lòng độ lượng, bao dung với cha mẹ, tha thứ cho những gì cha mẹ, người lớn đã lỡ sai trong quá trình dạy dỗ con cái.

Một đứa trẻ có tấm lòng độ lượng, bao dung chúng sẽ học được cách tha thứ cho bố mẹ, thầy cô, bạn bè và cho cả chính bản thân mình. Chỉ là nhiều đứa trẻ không được học điều này. Cha mẹ sinh con trời sinh tính, nhiều cha mẹ nói vậy và chép miệng thỏa hiệp với những tính xấu của con. Thậm chí, nhiều đứa trẻ có bản năng chiếm hữu cao độ, có những cha mẹ lại mừng và bảo: Con mình ghê gớm thế này về sau đứa nào bắt nạt nổi? Ngay cả với một tật xấu như hay chê bai người khác, hay phàn nàn về mọi thứ chúng thấy thì nhiều cha mẹ lại lầm tưởng đó là con mình có chính kiến rõ ràng, biết phản biện, dám nói thẳng ra điều chúng không hài lòng. Mà quên rằng đó cũng là những dấu hiệu cho một con người ích kỷ, khó tha thứ, hiếu thắng và không biết cách quản lý cảm xúc của chính mình. Đôi khi, chính cha mẹ lại nuôi dưỡng tính xấu đó trong con, biến nó thành tính cách của đứa trẻ. Khoa học gọi những đứa trẻ như vậy là những đứa trẻ có chỉ số EQ thấp.

Tôi không phán xét cách dạy con của mỗi người vì mỗi chúng ta đều có cách riêng để giúp con hạnh phúc, an toàn, thành công trong tương lai. Như nhiều cha mẹ quan tâm đến kích thích IQ của con hơn phát triển EQ, muốn con đấm thẳng vào mặt kẻ xâm hại, bắt nạt, bạo lực với con. Những cha mẹ quan niệm thế giới này không an toàn nên họ muốn con mình học kỹ năng sinh tồn trước rồi quản lý cảm xúc sau. Ngược lại, nhiều cha mẹ muốn con vui chơi thỏa thích thay vì học thêm học nếm, mai này làm một người mờ nhạt cũng chẳng sao. Không ai sai, chẳng cha mẹ nào vỗ ngực tự luyến: Mình là cha mẹ tuyệt vời. Là cách chúng ta lựa chọn bằng chính những trải nghiệm của mình thôi.

Một đứa trẻ có tấm lòng độ lượng, bao dung chúng sẽ học được cách tha thứ cho bố mẹ, thầy cô, bạn bè và cho cả chính bản thân mình (Ảnh minh họa)

Nhưng. Là tôi vẫn tiếc nuối những cuộc ra đi của nhiều đứa trẻ chỉ vì chúng chịu sức ép tâm lý quá lớn mà chúng không tự giải tỏa được. Tôi vẫn nghĩ đó là bởi chúng chưa được học về sự thứ tha, bao dung và độ lượng với những điều chúng trải qua. Là tha thứ cho những ai đã làm chúng tổn thương. Là bao dung và độ lượng hơn với cha mẹ, thầy cô, người lớn. Là chấp nhận những thất bại và coi nó như là một điều tự nhiên nhờ việc chúng biết bao dung với chính chúng. Là tôi nghĩ thế. Là tôi luôn nói với con mình lời cảm ơn nhiều hơn lời xin lỗi. Cảm ơn con đã độ lượng với cha mẹ thay vì xin lỗi con vì bố mẹ đã làm sai. Bởi tôi muốn con mình học được những thứ tha để nhẹ lòng mà sống. Con tha thứ, con bao dung không khiến con thành người kém cỏi, yếu ớt hay chịu về thua thiệt mà là con đang trưởng thành bằng một tâm an hơn.

Tôi sợ sự thất vọng dày vò tâm can con. Tôi sợ những hậm hực sẽ bóp nghẹt tim con. Tôi sợ sự tranh thắng sẽ làm mờ mắt con. Tôi sợ cả những ấm ức, uất nghẹn khiến con mình chìm sâu trong đầm lầy đen tối. Tôi sợ những thứ đó hơn những nỗi sợ con bị thiệt thòi, con thua cuộc, con không có năng lực cạnh tranh hay cả việc mai này con ra đời dễ bị thiên hạ bắt nạt. Tôi vẫn tin vào sức mạnh của lòng bao dung, nó sẽ giúp con mạnh mẽ từ bên trong của mình.

Có thể vì tôi khác nhiều cha mẹ và cũng có thể vì những đứa trẻ của tôi nhờ học được về lòng bao dung mà mọi thất vọng chúng trải qua đều chỉ là những thất vọng tạm thời vậy. Là cha mẹ, tôi nghĩ điều đó tốt cho con mình!

Nhà văn HOÀNG ANH TÚ