Tiêu dùng & Dư luận

Hậu Giang: Mía ngập trong lũ, chết vàng đồng, nông dân lo bán tháo

Nước lũ tràn về, những ruộng mía bạt ngàn ở tỉnh Hậu Giang chết vàng đồng, nước ngập thân cây cả mét. Nhìn cảnh này, nông dân chỉ biết khóc ròng, tìm cách bán mía để vớt vát, tránh lỗ nặng.

Nguy cơ thành con nợ

Theo báo Công an TP.HCM, đi dọc các xã Tân Long, Hòa Mỹ, Long Thạnh (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) sẽ không khó bắt gặp những ruộng mía chết vàng đồng, nước ngập thân cả mét.

Hiện nay, nước lũ từ sông Mekong đổ về hạ nguồn Đồng bằng sông Cửu Long, đã và đang đe dọa nghiêm trọng vùng mía nguyên liệu hơn 7.500ha ở Hậu Giang - cánh đồng mía lớn nhất miền Tây.

Mía bị ngập nước chết hàng loạt. (Ảnh: Báo VnExpress).

Trầm mình trong nước lũ chặt từng cây mía bị ngập để bán tháo, anh Trần Thanh Mãi (30 tuổi, ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp) buồn bã nói với PV VnExpress, 5 công (5.000m2) mía của gia đình bị lũ nhấn chìm, đến nay đã chết khoảng 80%.

"Với tình trạng này, sau tám tháng trồng, chăm sóc mía, gia đình tôi lỗ 5-6 triệu đồng mỗi công", anh Mãi than vãn với PV báo VnExpress.

Theo báo VnExpress, nếu so với năm ngoái, giá mỗi tấn mía hơn một triệu đồng, nay chỉ còn khoảng 680.000 đồng. Tuy nhiên, đối với mía ngập lũ, hư hỏng, nông dân bán được chỉ khoảng 550.000 - 630.000 đồng mỗi tấn.

Dự đoán nguy cơ bị ngập, nông dân Huỳnh Văn Thơm ở xã Hòa Mỹ trước đó bán sớm hai công mía chạy lũ. Tuy nhiên, giá thấp khiến anh cũng không thể hòa vốn, lỗ khoảng 2 triệu đồng mỗi công.

Chia sẻ với PV báo Công an TP.HCM, ông Cao Văn Quyến (ngụ ấp Long Trường 2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp) cho biết: “Một công mía chỉ thu hoạch được 7 tấn, bán với giá 700 đồng/kg thấp hơn cùng kỳ năm trước 200 đồng/kg. Bán xong vụ mía chỉ đủ trả tiền nhân công chứ còn khoản phân, giống phải nợ lại”.

Đôn đáo chạy tìm thương lái cứu 15 công mía đang bị nước lũ đe dọa, ông Phạm Văn Luyến (61 tuổi, ngụ ấp Long Phụng, xã Tân Long) buồn bã nói: “Đến nay ruộng mía đã bị ngập nước 1/3 thân cây và hầu như chết hơn một nửa. Mấy ngày nay tôi chạy khắp nơi tìm thương lái nhưng ai cũng từ chối mua. Một công mía đầu tư chi phí trên 7 triệu đồng trong khi giờ nhiều người bán chưa đến 4 triệu đồng. Với tình hình này, nông dân trồng mía trở thành con nợ hết”.

Ông Luyến đứng bên ruộng mía bị ngập nước. (Ảnh: Báo Công an TP.HCM).

"Vị đắng" của mía

Tương tự, ông Đặng Minh Tình (60 tuổi, ngụ ấp Long Phụng, xã Tân Long) nói với PV báo Công an TP.HCM: “Thấy mía được giá nên vợ chồng đi chạy hỏi tiền để lên liếp 10 công đất. Năm đầu tiên, mía bán được giá 900 đồng/kg nghĩ năm nay sẽ cao hơn nào ngờ chẳng có người mua”.

Theo đó, toàn bộ ruộng mía của ông bị nước lũ gây ngập gần 2 tháng nay và chết toàn bộ. Do không tìm được thương lái, vợ chồng quyết định mướn nhân công thu hoạch được 52 tấn rồi bỏ thêm 6 triệu nữa để thuê chiếc ghe chở đến nhà máy đường ở thị xã Long Mỹ chạy đường.

“Một số người còn được thương lái trả giá mua 300 – 500 đồng/kg còn ruộng mình chẳng ai ngó ngàng gì tới. Do vậy để vớt vát lại phần nào chi phí bỏ ra chỉ còn cách tự thu hoạch. Tôi chở mía xuống 3 ngày rồi nhưng điện hỏi nhà máy họ nói còn 80 ghe nữa mới tới lượt. Gia đình rất lo vì mía để càng lâu sẽ càng hao hụt. Năm nay, chẳng gì khổ như nông dân trồng mía”, ông Tình thổ lộ.

Ông Đặng Văn Hồng Minh - Trưởng ấp Long Phụng thông tin với báo Công an TP.HCM: “Toàn ấp có trên 120ha mía, trong đó có 95ha bị ngập. Diện tích mía bị thiệt hại từ 70% đến mất trắng là gần 20ha”.

Nói về tình trạng mía bị lũ ngập chết vàng đồng, ông Nguyễn Thế Tự - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phụng Hiệp trao đổi với PV báo VnExpress, năm nay lũ về sớm và cao hơn nhiều năm trước. Hiện có khoảng 300ha mía đã thu hoạch chạy lũ, bán cho các cơ sở xay nước mía. Bà con đang đốn hàng chục ha để bán cho thương lái.

Ngoài ra, khoảng 300ha mía ở các xã Phương Bình, Hoà An, Tân Long, Phương Phú đang bị ngập lũ. Nước đang về nhiều, dự báo sang tháng 9 âm lịch sẽ dâng cao, đe doạ gần 1.000ha mía khác trên địa bàn.

"Địa phương đang kêu gọi các nhà máy đường trong khu vực ưu tiên tiêu thụ mía cho bà con vùng ngập lũ", ông Tự nói và cho rằng, dù có bán được, nông dân vẫn lỗ, gặp nhiều khó khăn để tái sản xuất.

Hà Nguyễn (tổng hợp)