Sức khỏe

Hậu Covid-19: Bị sương mù não có nguy hiểm?

Sương mù não thường biến mất chỉ sau vài tuần. Tuy nhiên, một số người có thể bị nhiều tháng, thậm chí hàng năm.

Sương mù não là gì?

Sương mù não (brain fog) là thuật ngữ được sử dụng để mô tả cảm giác mơ hồ về tinh thần, ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau. Theo Huff Post, sương mù não hậu Covid-19 tác động nghiêm trọng tới khả năng suy nghĩ.

Theo các chuyên gia khi bạn nhiễm nCoV ở mức độ nhẹ đến trung bình, virus vẫn gây tổn thương não, kéo theo các vấn đề về trí nhớ, khả năng tập trung, chức năng điều hành của não bộ.

Giáo sư thần kinh học và sinh hóa James Giordano, Trung tâm Y tế Đại học Georgetown cho biết, hiện tượng sương mù não hậu Covid-19 rất đặc biệt. Hầu hết sương mù não ở các bệnh khác thường biến mất sau khi họ khỏi bệnh hoặc ngừng điều trị. Tuy nhiên, Covid-19 gây ra hiệu ứng viêm lan rộng và đôi khi kéo dài, dữ dội hơn nhiều. Hậu quả là sương mù não có thể kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

GS Giordano chia sẻ nguyên nhân gây sương mù não hậu Covid-19 có thể do tác động viêm kéo dài trực tiếp, gián tiếp lên não. Trong một số trường hợp, nCoV gây chuỗi phản ứng viêm lớn, hàng loạt mô khắp cơ thể bị tổn thương. Nhiều bằng chứng cũng cho thấy virus có thể lây nhiễm trực tiếp vào các tế bào não và xung quanh nó, gây viêm ngay trong chính cơ quan này.

Để khắc phục tình trạng sương mù não, người bệnh cần tích cực luyện tập thể dục, ăn đủ chất dinh dưỡng, hạn chế căng thẳng và uống đủ nước mỗi ngày. Ảnh minh họa.

Hiện các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra chứng sương mù não sau Covid-19. Tuy nhiên, một số nguyên nhân đã được xác định gây nên tình trạng này bao gồm:

Thiếu oxy não do tổn thương phổi

Viêm não

Rối loạn tự miễn dịch khiến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể

Đột quỵ não

Nguyên nhân gây sương mù não còn do làm việc quá sức, thiếu ngủ, căng thẳng và dành quá nhiều thời gian cho máy tính. Ở cấp độ tế bào, sương mù não được cho là do tình trạng viêm nhiễm ở mức độ cao và những thay đổi đối với hormone quyết định tâm trạng, năng lượng và sự tập trung của bạn.

Cách khắc phục chứng sương mù não, giảm trí nhớ hậu Covid-19

Tập thở: Thực tế, khi tư vấn, bác sĩ phát hiện ra nhiều bệnh nhân chỉ đơn giản là quên tập thở vì họ đang quá tập trung vào các việc khắc phục khác. Sau khi được tư vấn, nhiều bệnh nhân kiên trì tập thở và kết quả chứng sương mù não và giảm trí nhớ phục hồi một cách ngoạn mục.

Thực hành sớm tập thở hằng ngày:

- Ngồi thẳng lưng, một tay đặt lên bụng và tay kia đặt trên ngực;

- Hít vào từ từ và sâu qua mũi và cảm nhận bụng bạn phình ra;

- Rồi từ từ thở ra bằng miệng;

- Lặp lại 5-6 lần trong ngày, mỗi lần làm trong 10-15 phút.

Kiên trì tập thở giúp khắc phục chứng sương mù não.

Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc: Ngủ không ngon sẽ không có tác động lớn đến sức khỏe. Đặc biệt tình trạng thiếu ngủ tái diễn có thể khiến tình trạng sương mù não, giảm trí nhớ của bạn trở nên tồi tệ hơn. Nghỉ ngơi đầy đủ và cố gắng ngủ đủ giấc 7-8 giờ mỗi đêm là cách giúp giảm nhanh, hiệu quả chứng chứng sương mù não và giảm trí nhớ.

Bổ sung thực phẩm tốt cho não: Một số loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng thực sự có thể giúp não của bạn hoạt động trơn tru hơn, chẳng hạn bạn nên ưu tiên thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3 có trong cá, đậu và các loại hạt; đồng thời tránh cafe, rượu và thực phẩm chế biến sẵn.

Uống đủ nước: Uống trung bình 8 ly (ly uống nước chứa 200ml) cho mỗi ngày. Tăng lượng chất lỏng cho cơ thể như nước ép trái cây, các loại súp, canh… hàng ngày. Giữ đủ nước là một trong những chìa khóa quan trọng giúp phục hồi các triệu chứng Covid kéo dài như mệt mỏi, hụt hơi khó thở… và bao gồm cả chứng sương mù não, giảm trí nhớ sau Covid.

Lưu ý: Hạn chế uống cà phê, tránh sử dụng rượu và các chất kích thích.

Tập thể dục thường xuyên: Ngoài chứng sương mù não, giảm trí nhớ, bạn còn có các triệu chứng khác đi kèm như hụt hơi, khó thở, mệt mỏi… có thể sẽ gây khó khăn cho công việc hàng ngày của bạn. Tuy nhiên, ngay cả những bài tập thể dục nhẹ nhàng cũng có thể giúp ích cho quá trình hồi phục của bạn. Nếu bạn không thể chạy, thì hãy đi bộ, nhưng hãy cố gắng vận động thường xuyên. Đi bộ 30 phút mỗi ngày, đi bộ kèm hít thở sâu đều giúp tăng cường lưu lượng máu và cung cấp oxy cho não.

Tránh căng thẳng: Hãy cố gắng sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những công việc quan trọng trong ngày vào lúc bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng nhất. Cách chia nhỏ công việc có thể khiến bạn cảm thấy kiểm soát được, không cạn kiệt năng lượng, không cùn mòn trí nhớ và tư duy.

Gặp chuyên gia sức khỏe: Hậu Covid-19 nếu bạn có bất kỳ triệu chứng tâm trạng nghiêm trọng nào, bạn nên gặp chuyên gia trị liệu, từ đó các bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.

Trúc Chi (t/h theo Zing, Sức khỏe Đời sống, Thanh Niên)