Xi nhan Trái Phải

Hành vi ép hôn phụ nữ trong thang máy, cần phải xử theo luật như thế nào?

Câu chuyện về mức phạt 200.000 đồng đối với hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của phụ nữ theo Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mặc dù đã lắng xuống - nhưng sau nhiều bàn cãi, nhiều ý kiến đa chiều, thậm chí là với những ngôn ngữ mỉa mai – thì điều đọng lại vẫn chỉ là “pháp luật Việt Nam còn nhiều thiếu sót” (!)

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, thì việc tiếp cận vấn đề như thế là không nên.
Bởi, việc đưa ra những phản biện xã hội để vận động thay đổi quy phạm (sửa đổi pháp luật = lập pháp) là hoạt động cần thiết, tuy nhiên, khi vận động lập pháp quá nhiều thì càng bộc lộ sự lệ thuộc nguy hiểm vào các quy phạm pháp luật được tạo ra cho tình huống cụ thể. Trong khi, việc áp dụng pháp luật không bao giờ là sự chờ đợi và lệ thuộc như vậy. Điều quan trọng nhất là cần nỗ lực tìm ra giải pháp pháp lý bằng các quy phạm hiện hành để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.

Các tọa đàm về vụ việc thường kết luật: “pháp luật Việt Nam còn nhiều thiếu sót”(!)

Từ góc nhìn đó, đối với vụ việc lần này, tôi nghĩ cần xem xét lại quan điểm cho rằng phải nâng mức phạt vi phạm theo Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc đưa hành vi vi phạm này vào điều chỉnh tại Bộ luật hình sự.

  1. Thứ nhất, Nghị định 167/2013/NĐ-CP là nghị định dưới Luật Hành chính, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Khác với luật dân sự, hình sự, pháp luật hành chính nhằm mục đích bảo vệ trật tự xã hội nói chung, không hướng tới bảo vệ quyền lợi cho một đối tượng khách thể cụ thể. Theo đó, việc phạt vi phạm hành chính cho một hành vi không có tính nguy hiểm cao với cộng đồng nói chung ở mức 100.000 VNĐ – 300.000 VNĐ không thể nói là không thỏa đáng. Mức phạt này chắc chắn đã được xem xét ở mức độ nguy hiểm của hành vi, trình độ phát triển kinh tế và thu nhập bình quân của Việt Nam nói chung và đặc biệt là hoàn cảnh kinh tế của nhóm đối tượng dễ thực hiện hành vi vi phạm.

  2. Thứ hai, vậy làm thế nào mới bảo vệ được quyền lợi của người phụ nữ?
    Một số giải pháp có thể tham khảo:

    Khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín: Một khi đã gặp phải hành vi như vậy, không người phụ nữ nào là không chịu tổn thương về mặt tâm lý. Tùy mức độ tổn thương, có thể có những yêu cầu bồi thường thiệt hại khác nhau, nhưng tất cả những chi phí hợp lý cho việc khôi phục lại tình trạng tâm lý ban đầu và khắc phục những bất tiện trong cuộc sống (thời gian đối ứng với dư luận, bị chú ý ngoài ý muốn…) đều phải được yêu cầu bồi thường thỏa đáng theo quy định tại Điều 584, 592 Bộ luật Dân sự, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP.

    Có một cách giải thích pháp luật tương đối táo bạo nhưng có thể xem xét về tính tương thích của hành vi vi phạm với tội “Giữ người trái pháp luật” (Khoản 1 Điều 157 Bộ luật hình sự): Chủ thể: Nam có đầy đủ sức khỏe và thể lực mạnh hơn so với người bị hại. Khách thể: Quyền tự do thân thể. Hành vi khách quan: Dùng vũ lực hạn chế khả năng tự do thân thể của người bị hại. Mặt chủ quan: Lỗi cố ý. Hơn nữa, không gian thực hiện hành vi là trong thang máy (không gian hẹp, chỉ có một cửa thoát duy nhất và không mở tự nhiên), thời gian là 22:00, buổi đêm – khoảng thời gian ít người sử dụng thang máy và ít người qua lại tại các khu vực chờ thang máy - điều này bổ sung rất lớn về việc đối tượng đã có sự tính toán về địa điểm, phương thức thực hiện hành vi.

Nếu áp dụng khoản 1 Điều 157 Bộ luật hình sự, thì mức hình phạt là “cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Những bức xúc và quan tâm đối với các hiện tượng ngang trái của xã hội là cần thiết, nhưng cần phải truyền đạt những thông tin chính xác.
Việc đưa ra những nhận định (dù là cách nói mỉa mai) như “danh dự, nhân phẩm người phụ nữ chỉ đáng giá 200k” hay “200k cho một lần bị ép hôn, bị sàm sỡ”… thực sự nên tránh triệt để.
Việc đưa ra những thông tin như vậy sẽ dễ gây kích động cho những đối tượng kém hiểu biết thực hiện hành vi vi phạm. Cần chia sẻ đầy đủ những biện pháp pháp lý và hậu quả pháp lý có thể áp dụng đối với các hành vi vi phạm để hạn chế khả năng tái diễn những vụ việc tương tự.
Vì ngoài vụ “đã bị lộ” nêu trên, thì ở nhiều vùng miền của xã hội ta hiện nay, số vụ tương tự chắc là không ít.  

Bùi Hồng Dương (Luật sư)

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và mang tính tham khảo