Cuộc sống số

Hành trình vượt biển Bắc Cực của lò phản ứng hạt nhân nổi đầu tiên của Nga

Akademik Lomonosov - lò phản ứng hạt nhân nổi trên mặt nước đầu tiên trên thế giới đã được hạ thủy vào ngày 23/8 và bắt đầu cuộc hành trình ngàn dặm từ Bắc Cực về Nga.

Tàu Akademik Lomonosov (ảnh: Rosatom)

Sau khi được nạp đầy nhiên liệu hạt nhân, lò phản ứng Akademik Lomonosov đã rời cảng Murmansk ở Bắc Cực để bắt đầu một hành trình dài 5.000 km tới cảng Pevek ở Đông Bắc Siberia.

Được phát triển bởi Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Rosatom, lò phản ứng được coi là một giải pháp thay thế đơn giản cho các nhà máy nhà máy điện truyền thống trên mặt đất bị đóng băng quanh năm. 

Hành trình của Akademik Lomonosov dự kiến kéo dài từ 4 đến 6 tuần, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và lượng băng trên lộ trình. Khi đến thị trấn Pevek, nơi có khoảng 5.000 người dân sinh sống ở khu vực Chukotka thuộc Siberia, lò phản ứng này sẽ thay thế cho một nhà máy hạt nhân của địa phương và một nhà máy nhiệt điện đã bị đóng cửa.

Rosatom nói rằng nhà máy này an toàn và có thể đóng vai trò là nguồn năng lượng mới cho các cộng đồng biệt lập nhất hành tinh.

"Trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân này, nhiều đại diện của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế ghé thăm. Không có nhận xét hay lo ngại nào mà thay vào đó là sự hài lòng và đánh giá cao về mặt an toàn sinh thái"- Ông Sergei Ivanov, Đặc phái viên về vận chuyển và môi trường cho biết.

Lò phản ứng này sẽ đi vào hoạt động trước cuối năm 2019, chủ yếu phục vụ các giàn khoan dầu ở khu vực này trong bối cảnh Nga đang mở rộng việc khai thác hydrocarbon ở Bắc Cực.

Tập đoàn Rosatom đang ấp ủ kế hoạch xuất khẩu mẫu lò phản ứng di động này. Tuy nhiên, các nhóm hoạt động môi trường từ lâu đã cảnh báo về nguy cơ của dự án này, coi đó là một "Chernobyl trên băng" và một "Titanic hạt nhân" tiềm ẩn. 

 

Lò phản ứng Akademik Lomonosov, được đặt theo tên Viện sĩ Mikhail Vasilyevich Lomonosov, là một thiết bị phát điện độc lập, được sản xuất như một chiếc tàu  với chiều dài 140m, chiều rộng 30m và cao 10m. Trọng tải rẽ nước là 21,5 tấn với thủy thủ đoàn 70 người.

Nhà máy được trang bị một tổ máy phát điện gồm hai lò phản ứng hạt nhân và hai turbine hơi cùng các khu vực dự trữ để chứa nhiên liệu hạt nhân sạch cũng như các chất thải phóng xạ dạng rắn và lỏng. Akademik Lomonosov cũng có thể được sử dụng như một nhà máy khử muối với công suất 240.000 m3 nước ngọt/ngày.

Công tác thử nghiệm toàn diện nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov được bắt đầu từ cuối tháng 11/2018. Nhiệm vụ chính của hoạt động công nghệ này là đảm bảo rằng khối nổi hoàn toàn sẵn sàng để đưa vào vận hành ở mức công nghiệp. Nhà máy điện này được thiết kế như một phần của nhà máy nhiệt điện hạt nhân nổi (FNPP), đây là lớp mới của nguồn năng lượng dựa trên công nghệ đóng tàu hạt nhân của Nga.

Akademik Lomonosov dự kiến sẽ cung cấp đủ điện năng cho khoảng 200.000 người, giúp tiết kiệm 200.000 tấn than và 100.000 tấn nhiên liệu mỗi năm. Thời gian hoạt động ước tính khoảng 40 năm.

 

Bá Di (Tổng hợp)