Thế giới

Hành trình tử thần nhìn từ thảm kịch chìm thuyền di cư ngoài khơi Italy

Những kẻ buôn người đã thu gần 8.500 USD từ mỗi hành khách cho mỗi “hành trình tử thần” từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Italy, khiến ít nhất 64 người thiệt mạng.

“Đã có nhiều chiếc thuyền di cư đến đây, nhưng chưa bao giờ xảy ra thảm kịch như thế này”, thị trưởng Cutro, một thị trấn miền Nam Italy, cho biết sau khi một chiếc thuyền chở khoảng 170 người di cư bị vỡ thành nhiều mảnh vào sáng sớm ngày 26/2 sau khi va phải đá ngầm.

Bi kịch xảy ra trong bối cảnh số lượng người xin tị nạn từ Bắc Phi và Nam Á đang cố gắng vượt Địa Trung Hải với hy vọng đến được châu Âu đã tăng mạnh kể từ năm 2022. Và bờ biển Italy nằm ở tuyến đầu, nơi cập bến của nhiều người di cư chạy trốn khó khăn kinh tế, áp bức và bùng nổ chính trị ở quê nhà.

Trả giá đắt

Các đội cứu hộ đã trục vớt một thi thể lên khỏi biển hôm 28/2, nâng số người thiệt mạng trong thảm kịch di cư mới nhất ở Italy lên 64 người. Trong khi đó, các công tố viên xác định những kẻ buôn người được cho là đã tính phí 8.000 Euro (gần 8.500 USD) mỗi hành khách cho chuyến “hành trình tử thần” từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Italy.

Ít nhất 64 người, trong đó có 8 trẻ em, đã thiệt mạng khi chiếc thuyền gỗ chở quá tải đâm sầm vào bãi cạn chỉ cách bờ biển Calabria của Italy vài trăm mét và vỡ tan vào sáng sớm ngày 26/2 do biển động. Nhiều nạn nhân đã dạt vào bờ biển gần nơi con thuyền chìm gần Steccato di Cutro, một khu nghỉ mát bên bờ biển phía đông của Calabria, trong khi một số thi thể được vớt lên từ biển.

80 người sống sót, nhưng hàng chục người khác được cho là đã thiệt mạng, vì những người sống sót cho biết chiếc thuyền đã chở khoảng 170 người khi nó khởi hành vào tuần trước từ Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ.

Những người di cư được giải cứu trùm chăn ngồi trên một bãi biển gần Cutro, miền Nam Italy, ngày 26/2/2023. Ảnh: CBC News

Các nhóm cứu trợ tại hiện trường cho biết nhiều hành khách đến từ Afghanistan, bao gồm toàn bộ thành viên trong cùng một gia đình, cũng như từ Pakistan, Syria và Iraq.

Ông Sergio Di Dato, điều phối viên dự án của tổ chức từ thiện Bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết: “Chúng tôi đã gặp một người sống sót trong vụ đắm thuyền. Cô gái này cùng với em gái đã rời Afghanistan để chạy trốn Taliban. Rất tiếc em gái cô đã không qua khỏi”.

MSF đang cung cấp hỗ trợ tâm lý cho những người sống sót, bao gồm một cậu bé 12 tuổi đến từ Afghanistan đã mất tất cả 9 thành viên gia đình đi cùng cậu, bao gồm cha mẹ và 4 anh chị em.

“Mọi người bị sốc, rất kiệt sức, một số người nói rằng họ bất lực nhìn người thân rơi xuống nước, mất tích hoặc chết đuối”, Save the Children, một tổ chức từ thiện khác cung cấp hỗ trợ, cho biết trên Twitter.

Công tố viên Crotone Giuseppe Capoccia xác nhận các nhà điều tra đã xác định được 3 nghi phạm buôn người, bao gồm một người Thổ Nhĩ Kỳ và 2 người quốc tịch Pakistan. Nghi phạm người Thổ Nhĩ Kỳ thứ hai được cho là đã trốn thoát hoặc chết trong vụ chìm thuyền.

Cảnh sát hải quan Italy cho biết trong một tuyên bố rằng, những kẻ tổ chức vượt biên trái phép đã tính phí 8.000 Euro (khoảng 8.500 USD) mỗi người cho chuyến “hành trình tử thần” này.

Nhân viên cứu hộ làm việc tại hiện trường vụ đắm thuyền chở người di cư ngoài khơi bờ biển miền Nam Italy, ngày 26/2/2023. Ảnh: Sky News

Vụ đắm thuyền đã gây ra một cuộc tranh luận nữa về vấn đề di cư ở châu Âu và Italy, nơi mà luật mới cứng rắn mà chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Giorgia Meloni áp dụng đối với các tổ chức từ thiện cứu hộ người di cư đã vấp phải sự chỉ trích từ Liên Hợp Quốc (LHQ) và các tổ chức khác.

Luật này gây khó khăn hơn cho các tàu nhân đạo trong việc giải cứu người di cư trên biển. Ví dụ, sau khi tiến hành một hoạt động cứu hộ, các tàu phải quay trở lại cảng được chỉ định – thậm chí bỏ qua các cuộc gọi khẩn cấp tiếp theo – nhằm giới hạn thời gian hoạt động của các tàu này trên biển. Những đối tượng phớt lờ mệnh lệnh có thể bị chính quyền Italy tịch thu phương tiện.

Tuyến đường nguy hiểm

Trong khi đó, bà Meloni cho biết, bà đã gửi thư tới các nhà lãnh đạo châu Âu, yêu cầu hành động nhanh chóng để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư, nhấn mạnh rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề này một cách nghiêm túc và nhân đạo là ngăn chặn những người di cư mạo hiểm mạng sống của họ trên những chuyến vượt biển nguy hiểm.

“Vấn đề là, càng nhiều người tham gia hành trình này, càng nhiều người có nguy cơ thiệt mạng”, bà nói với đài truyền hình nhà nước RAI vào cuối ngày 27/2.

Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Piantedosi phản đối mạnh mẽ những ý kiến cho rằng việc giải cứu bị trì hoãn hoặc bị ảnh hưởng bởi chính sách của chính phủ Italy là không khuyến khích các nhóm cứu trợ hoạt động trên biển để giải cứu người di cư.

Cơ quan biên giới EU Frontex cho biết, máy bay của họ đã phát hiện ra chiếc thuyền ngoài khơi Crotone vào cuối ngày 25/2 và báo cho chính quyền Italy. Cơ quan chức năng Italy đã phái 2 tàu tuần tra đi, nhưng sau đó chúng phải quay lại vì thời tiết xấu. Hoạt động cứu hộ sau đó đã kết thúc vào sáng sớm ngày 26/2 sau khi chiếc thuyền bị vỡ toạc.

Một số mảnh còn sót lại của chiếc thuyền chở người di cư bị sóng đánh dạt vào bờ gần Cutro, miền Nam Italy, ngày 26/2/2023. Ảnh: USA Today

“Không có sự chậm trễ”, ông Piantedosi nói. “Mọi thứ có thể làm đều đã được thực hiện trong điều kiện biển động nguy hiểm”.

Vị Bộ trưởng cũng cho biết chính phủ Italy cũng cam kết mở ra các kênh di cư hợp pháp. Ông đề cập đến “các hành lang nhân đạo”, một sáng kiến mà theo ông đã vận chuyển hơn 600 người di cư đến Italy bằng máy bay kể từ tháng 10, khi bà Meloni lên nắm quyền.

Trong cùng khoảng thời gian trên, ít nhất 41.000 người di cư đã vượt biển đến Italy bằng thuyền. Phần lớn các thuyền di cư khởi hành từ Bắc Phi, nhưng ngày càng nhiều thuyền đã rời Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 năm qua, bao gồm khoảng 16.000 vào năm 2022, tương đương 15% tổng số người đến Italy.

Dự án Người di cư mất tích của LHQ đã ghi nhận hơn 20.000 trường hợp tử vong và mất tích ở trung Địa Trung Hải kể từ năm 2014, trong đó có hơn 220 trường hợp trong năm nay, khiến đây trở thành tuyến đường di cư nguy hiểm nhất trên thế giới.

Minh Đức (Theo AP, Reuters, GZero Media)