Dòng chảy pháp luật

Hành trình tìm công lý của người phụ nữ dân tộc Mường bị bắt giam oan

Vay mượn tiền dân sự, có tài sản thế chấp và đang còn khả năng trả nợ, nhưng bà Do bị CQĐT khởi tố, bắt tạm giam oan sai và phải mất 7 năm mới tìm được công lý

Hình sự hóa một quan hệ dân sự dẫn tới oan sai

Ngày 6/8/2022, Thượng tá Đỗ Xuân Sơn – Trưởng Công an (Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra) Công an huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) ký Kết luận số 43/BKL-CSĐT về việc Kết luận điều tra vụ án hình sự trong trường hợp đình chỉ điều tra.

Trước đó, ngày 24/10/2012, bà Quách Thị Do (SN 1983), trú tại thôn Minh Lâm, xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc có vay của bà Lê Thị Hợp (SN 1958), số tiền là 212 triệu đồng và để lại một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Do và chồng là Phạm Thúc Truyền.

Tiếp đó, ngày 30/12/2012, bà Do tiếp tục vay của bà Hợp số tiền là 173 triệu đồng. Ngày 18/9/2013, bà Hợp tiếp tục cho bà Do vay 155 triệu đồng   với thời hạn một tháng sẽ trả lại. Những lần bà Hợp cho bà Do vay tiền hai người đều có giấy vay và chữ ký của bà Do. Ngày 28/10/2013, do chưa có tiền trả nên bà này viết giấy nhận và khất nợ với bà Hợp số tiền là 540 triệu đồng và thế chấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ chồng bà. Hai bên thỏa thuận, sau một tháng nếu bà Do không trả được nợ sẽ đồng ý sang tên thửa đất đang thế chấp cho bà Hợp.

Trước đó, bà Do đã vay 150 triệu đồng từ ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ngọc Lặc, đồng thời thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất và ngôi nhà đang ở.

Ngày 6/12/2013, bà Quách Thị Do đã lập hợp đồng mua bán chuyển nhượng thửa đất mang tên chồng là ông Phạm Thúc Truyền cho vợ chồng ông Đỗ Đồng Lực và vợ là bà Hợp, với số tiền là 750 triệu đồng, nhưng không có chữ ký của ông Truyền.

Sau 7 năm gửi đơn kêu oan tới nhiều cơ quan, bà Do đã kết luận không phạm tội, nhưng chưa được xin lỗi công khai để minh oan.

Để thực hiện được giao dịch này, vợ chồng ông Lực và bà Hợp đã bỏ ra số tiền 150 triệu đồng thay bà Do trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng để lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên chồng là ông Truyền về. Vợ chồng ông Lực bà Hợp đã chuyển đến sửa lại ngôi nhà vợ chồng bà Do để ở.

Ông Truyền từ các tỉnh phía Nam trở về lấy lại nhà từ ông Lực bà Hợp vì ông này không biết và không đồng ý bán đất có nhà mang tên mình trả nợ cho bà Do. Không đòi được nợ, vợ chồng ông Lực bà Hợp làm đơn tố cáo bà Do lên CQĐT Công an huyện Ngọc Lặc.

Ngày 20/6/2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ngọc Lặc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Quách Thị Do về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và truy nã bà này. Ngày 15/1/2015, bà Do bị bắt giữ theo lệnh truy nã khi đang làm việc tại một công ty ở miền Nam và bị di lý về Công an huyện Ngọc Lặc giam giữ. Ngày 15/4/2015, bà Do được trả tự do, thay đổi biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú. Cơ quan CSĐT Công an huyện Ngọc Lặc đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự, đình chỉ điều tra bị can do xác định bà Do đang có khả năng trả nợ.

Bảy năm tìm công lý

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Quách Thị Do cho hay, số tiền mình vay bà Hợp thực tế là 170 triệu đồng, lúc vay hai bên thỏa thuận lãi suất 5.000 đồng/ triệu/ngày (không ghi vào giấy vay tiền). Do làm ăn gặp khó khăn không trả được lãi nên tiền lãi được bà Hợp cộng vào tiền gốc và viết giấy mới, cuối cùng số tiền bà Do phải nhận nợ là 540 triệu đồng. Việc bà Do tố bà Hợp cho vay lãi nặng đã được Công an huyện Ngọc Lặc kết luận không có cơ sở.

Cũng theo bà Do, làm ăn khó khăn, nên bà buộc phải vào các tỉnh phía Nam làm thuê kiếm tiền trả nợ cho bà Hợp chứ không phải bỏ trốn. Trước khi đi bà có khai báo cho chính quyền địa phương, vào phía Nam bà này có khai báo tạm trú với chính quyền sở tại. Hơn nữa, quá trình vay tiền bà này đều thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hai vợ chồng cho bà Hợp.

Sau khi đình chỉ điều tra, trả tự do, nhưng không được xin lỗi công khai minh oan nên trong mắt người dân địa phương bà Do vẫn là kẻ mang trên mình “tội danh” Lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Vợ chồng bà Do trao đổi với PV Người Đưa Tin về những vất vả, gian truân trong hành tìm công lý của mình.

“Bị công an bắt khi đang làm việc tại công ty ở miền Nam, tôi được đưa về giam ở Công an huyện Ngọc Lặc rồi xuống trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa. Tôi không hề có ý lừa đảo, tôi cũng không bỏ trốn nhưng không ai chấp nhận. Ba tháng nằm trong trại giam, tôi đã có ý định tìm tới cái chết, nhưng nghĩ đến mấy đứa con và tin rằng sẽ có ngày tìm được công lý nên tôi cố gắng sống tiếp”, bà Do chia sẻ.

Bà Lê Thị Hợp đã khởi kiện việc bà Do vay mượn tiền ra tòa dân sự và vụ án đã được Tòa án hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ngọc Lặc đã làm thủ tục kê biên tài, bán đấu giá ngôi nhà duy nhất của vợ chồng bà Do để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho vợ chồng bà Hợp.

Ngày 30/5/2022, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành kết luận giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, yêu cầu VKS nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo VKS nhân dân huyện Ngọc Lặc hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bà Quách Thị Do của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ngọc Lặc, để giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

Sau khi VKS nhân dân huyện Ngọc Lặc hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án hình sự và đình chỉ điều tra bị can đối với bà Quách Thị Do, ngày 26/7/2022, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ngọc Lặc đã ban hành quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự, quyết định phục hồi điều tra bị can đối với bà Do.

Kết luận số 43/BKL-CSĐT về việc Kết luận điều tra vụ án hình sự trong trường hợp đình chỉ điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ngọc Lặc khẳng định: “Căn cứ chứng cứ, tài liệu của vụ việc xác định: Việc Quách Thị Do vay tiền của bà Lê Thị Hợp với số tiền 540 triệu đồng là đúng. Tuy nhiên, Quách Thị Do vẫn đủ khả năng trả nợ cho bà Hợp vì đang còn tài sản là ngôi nhà của vợ chồng Quách Thị Do (Giấy chứng nhận QSD đất số AQ132687 mang tên anh Phạm Thúc Truyền). Do đó hành vi của Quách Thị Do không đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điều 140 BLHS năm 1999”.

Cơ quan chức năng tiến hành kê biên ngôi nhà và thửa đất của vợ chồng bà Do để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bà Hợp.

“Đến nay, Cơ quan điều tra Công an huyện Ngọc Lặc đã kết luận tôi không phạm tội, có nghĩa việc họ khởi tố, bắt tạm giam tôi là oan sai. Tôi không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Hợp và đến nay ngôi nhà của tôi cũng đã bị tịch thu để bán trả nợ cho bà Hợp. Tuy nhiên, đến nay tôi vẫn chưa được công khai xin lỗi để minh oan và đền bù xứng đáng tốn thất về thể xác, tinh thần và thu nhập bị mất đi trong những năm qua. Những người gây oan sai cho tôi vẫn chưa bị xử lý, có người nay còn lên chức vụ cao hơn”, bà Do bức xúc nói.

Thượng tá Đỗ Xuân Sơn – Trưởng Công an huyện Ngọc Lặc cho biết, việc bà Quách Thị Do bị khởi tố, bắt giam diễn ra trước khi ông về nhận nhiệm vụ tại Công an huyện Ngọc Lặc. Hiện, CQĐT đã có kết luận bà Do không phạm tội. Bà Do đề nghị được bồi thường số tiền quá lớn, hai bên không thống nhất được. Bà Do có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường, khi nào tòa tuyên án thì bà này sẽ được bồi thường theo quy định của nhà nước

Bà Do nhiều lần có đơn kêu oan, ngày 5/32017, Công an huyện Ngọc Lặc, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngọc Lặc đã tổ chức cuộc làm việc với bà Quách Thị Do và gia đình để thương lượng liên quan việc hỗ trợ tổn thất về vật chất và tinh thần cho bà Do. Theo bà Do, các cơ quan tố tụng huyện Ngọc Lặc hứa sẽ minh oan cho bà và hỗ trợ 400 triệu đồng.

Cho rằng, việc mình không phạm tội nhưng bị khởi tố, bắt tạm giam là oan sai, cơ quan tố tụng huyện Ngọc Lặc không thực hiện lời hứa tổ chức xin lỗi công khai để minh oan, số tiền hỗ trợ 400 triệu đồng không bù đắp được một phần tổn thất về tinh thần và vật chất mình đã gánh chịu nên bà Do tiếp tục kêu oan, đi tìm công lý.