Đa chiều

Hạnh phúc đáng giá bao nhiêu?

Không chỉ có những cặp đôi yêu nhau mới có chuyện “chia tay đòi quà”, nhiều gia đình khi “hết thương, cạn nhớ” cũng ngang nhiên đòi chi phí chăm sóc nhau, tạo ra những câu chuyện dở khóc, dở cười.

Chỉ cách đây vài ngày, cộng đồng mạng được phen xôn xao trước câu chuyện một nữ giáo viên mầm non ở Thái Bình, sau khi ly hôn, phải bất đắc dĩ trả tiền sinh hoạt, để chuộc lại giấy tờ tùy thân của chính mình.

Theo đó, người phụ nữ đi lấy chồng không có tiền bạc, của cải mang về nhà chồng. Sau 1 năm, cô vợ không thể tiếp tục sống với anh chồng vì mâu thuẫn, nên đã chọn cách ra đi.

Mặc dù vậy, ra đi vẫn chưa phải là cô ấy đã được giải thoát, anh chồng bắt cô phải trả tiền ăn hằng ngày, tiền khám chữa phục vụ sinh sản và rất nhiều những khoản tiền khác..., tổng cộng là 42,6 triệu đồng cho anh ta, thì mới cho vợ mang đồ dùng cá nhân đi.

Ngay sau khi câu chuyện được lan truyền trên mạng xã hội, cộng đồng mạng đã không thể kiềm chế được mà thốt lên rằng, người chồng kia chỉ xứng đáng “mặc váy”!

Hầu hết các ý kiến đều lắc đầu ngán ngẩm, chỉ trích việc làm quá quắt, cạn tình cạn nghĩa của người chồng. Thậm chí, có nhiều người trong cánh mày râu còn phải tỏ ra xấu hổ thay phần cho người chồng “làm mất mặt đàn ông chân chính” trong câu chuyện.

Trước nay, cũng có rất nhiều vụ chia tay hoặc ly hôn kỳ quặc, khi một trong hai người cương quyết đòi tình phí, đặc biệt, có những người chồng “quái gở” nằng nặc đòi tiền bồi thường “đời trai”. Còn nhớ, cuối năm 2015, một người đàn ông đã yêu cầu vợ mình phải bồi thường 30.000 USD, bao gồm chi phí cưới, tiền mất việc do phải bay về Việt Nam cưới vợ và tiền “đời trai”.

Rõ ràng, quan hệ vợ chồng là tự nguyện, có cơ sở là tình yêu thương phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung của xã hội và quy định pháp luật. Các quan hệ và nghĩa vụ phát sinh giữa vợ và chồng sau khi kết hôn được luật Hôn nhân và gia đình quy định, bảo vệ. Khi đó, các quan hệ và nghĩa vụ chăm sóc nhau, nuôi dạy con cái, xây đắp đời sống gia đình... đương nhiên phát sinh. Những việc ấy không phải là giao dịch dân sự, đương nhiên yêu cầu đòi bồi thường, trả tiền bù đắp là hết sức phi lý.

Thật nực cười khi những tình huống trớ trêu như vậy vẫn xuất hiện đâu đó trong cuộc sống…  Khi gặp phải một người chồng quá so đo, tính toán như vậy, tôi thầm nghĩ, phải chăng, người vợ cũng nên “phản đòn” bằng một bảng danh sách những chi phí “làm vợ”, tiền công làm tạp vụ, làm người chăm sóc chồng và gia đình chồng?

Thiết nghĩ, anh chồng cũng nên sòng phẳng, xã hội công bằng có qua có lại mới toại lòng nhau. Chẳng lẽ, anh chồng này vẫn còn nặng tư tưởng phong kiến, cho rằng tài sản, công sức của anh ta thì đáng quý, còn của người vợ thì không đáng được kể tên hay sao? Thế thì anh ta vốn không nên thuộc về thời đại này!

Cứ thử tưởng tượng, một người phụ nữ khi bước vào cuộc hôn nhân, đã phải hy sinh những gì? Có những người vợ, người mẹ, theo thời gian, nhan sắc bị phai tàn, đến lúc ngoảnh lại đã chẳng lấy lại được vóc dáng như xưa.

Thậm chí, có người phải nghỉ việc để dành toàn tâm toàn ý cho gia đình nhỏ… Đến khi ly hôn, lại gặp ngay “cú sốc” đòi thanh toán chi phí cưới hỏi, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, có người cũng vì thế mà ám ảnh, không dám bắt đầu một hạnh phúc mới, không dám đặt niềm tin vào bất kỳ người đàn ông nào nữa.

Câu chuyện đầy tính toán của người chồng ở Thái Bình kia, vốn mới chỉ được nghe từ một phía, không biết chắc có còn uẩn khúc nào không. Tuy nhiên, chưa cần biết có nguyên cớ gì, chỉ cần người chồng có những suy nghĩ và hành động như vậy, đã đánh rơi giá trị của một người đàn ông.

Chính những câu chuyện “khi yêu thì tặng rất nhiều, hết yêu đòi lại những điều đã cho” như vậy càng khiến nhiều người phải dè chừng hôn nhân: “Lấy chồng như đánh một canh bạc, xinh đẹp giỏi giang cũng không bằng may mắn”.

Bắt gặp quá nhiều câu chuyện bi hài như vậy, người ta dần lạc mất niềm tin vào hạnh phúc. Thậm chí, có người còn mơ hồ đặt câu hỏi: “Hạnh phúc đáng giá bao nhiêu?”, khi bất giác nghĩ đến những khoản tình phí phải hoàn trả sau khi trải qua một tình yêu mặn nồng. Quả là quá đắt đỏ!

Chỉ mong, có nhiều người hiểu được, “hạnh phúc không thể mua được bằng tiền”, nên sẽ dành toàn tâm toàn ý để tìm kếm hạnh phúc, và khi hạnh phúc không như ý, thì sẽ không tìm cách mang tiền bạc ra để làm vật quy đổi ngang giá, mong vớt vát một tia hạnh phúc cuối cùng.

Hạ Trúc