Chính sách

Hành động của các Bộ trưởng sau lá phiếu tín nhiệm: Soi rọi bản thân

48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã có kết quả lấy phiếu tín nhiệm, trong đó, có những vị tư lệnh ngành đạt phiếu tín nhiệm rất cao, nhưng cũng có những tư lệnh ngành lại nhận phiếu tín nhiệm thấp. Vậy, sau lá phiếu tín nhiệm này, các Bộ trưởng cần phải hành động thế nào?

Việc công bố kết quả phiếu tín nhiệm với 48 chức danh, trong đó những lá phiếu tín nhiệm cao hay thấp đối với các tư lệnh ngành  đặc biệt thu hút sự quan tâm. Theo nhiều ĐBQH, việc các tư lệnh ngành đạt phiếu tín nhiệm cao hay thấp đã phản ánh sát thực tế.

Trong khuôn khổ kỳ họp 6 Quốc hội khóa XIV, PV báo Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ của ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước).

Quốc hội đã công bố kết quả phiếu tín nhiệm với 48 chức danh. Bà có suy nghĩ gì vấn đề tín nhiệm của các tư lệnh ngành?

 Tôi không phải là người trực tiếp được lấy phiếu tín nhiệm nên tôi không cảm nhận được tư lệnh ngành sẽ suy nghĩ gì. Mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm như vậy thì các đại biểu, những vị được lấy phiếu tín nhiệm là một lần được giám sát tối cao, được cử tri, đại biểu soi rọi. Và bản thân họ phải tự nỗ lực, cố gắng nhiều hơn. Ở một góc độ nào đó, tự kiểm điểm lại mình để bản thân mình tốt hơn trong thời gian tới.

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội.

Với những ai có phiếu tín nhiệm thấp thì tự bản thân họ cũng phải soi rọi lại bản thân, tại sao mình làm chưa tốt chức trách, vai trò của mình, nên phiếu tín nhiệm chưa cao… Bản thân mỗi người cũng sẽ tự rút ra bài học kinh nghiệm cho cá nhân, ngay cả đại biểu như chúng tôi cũng tự soi rọi lại mình. Vì chính cử tri là người giám sát đại biểu, tín nhiệm đại biểu đến mức độ nào.

Cũng có những Bộ nhận những phiếu tín nhiệm thấp như: Bộ Giáo dục và đào tạo, bộ GTVT, bộ Y tế… Theo bà, điều này có đánh giá được đúng thực tiễn hoạt động của các bộ ngành hiện nay?

Hiện nay, một số lĩnh vực giao thông vận tải, y tế, giáo dục có các vấn đề nổi cộm đang diễn ra gần thời điểm lấy phiếu tín nhiệm. Làm cho cộng đồng cử tri quan tâm, soi rọi nhiều hơn. Tương tác nhiều làm ảnh hưởng đến tâm lý cử tri và những cử tri sẽ chú ý đến các vấn đề đó nhiều hơn. Chính những điều đó cũng tương tác trong việc lấy phiếu tín nhiệm. Điều này, cũng thể hiện cử tri giám sát rất chặt. Còn nếu các Bộ, ngành đang có vấn đề nóng như vậy nhưng phiếu tín nhiệm rất cao thì chắc chắn cử tri khó chấp nhận, khó đồng tình. Tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm đã thể hiện một phần nào đó quá trình điều hành của Bộ, ngành thời gian qua.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - đánh giá: "Tôi cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là khách quan, phản ánh được bức xúc của từng lĩnh vực.

Tư lệnh các lĩnh vực như giáo dục, giao thông, y tế... chưa đạt được số phiếu tín nhiệm cao cũng phản ánh rõ. Những lá phiếu đã thể hiện sự đánh giá về nhiệm vụ của các bộ ngành rất khó khăn.

Tuy nhiên chúng ta cũng cần nhìn nhận là không phải tất cả những tồn tại đó đều là do trách nhiệm của tư lệnh ngành mà đó chính là bức xúc, yêu cầu, đòi hỏi khách quan của cử tri cả nước ứng với các lĩnh vực đó".