Giáo dục

Hàng vạn giáo viên mầm non đi “nâng chuẩn”, ai sẽ dạy học?

Hàng vạn giáo viên mầm non sẽ phải đi học để nâng cao trình độ. Trong khi đó, lượng giáo viên đang rất thiếu. Các trường sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm người dạy.

Nhiều giáo viên lo lắng

Phát biểu tại phiên thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi sáng 21/5, ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) cho rằng giáo viên mầm non có tính chất đặc thù khác so với các giáo viên các cấp học còn lại, bởi họ cần làm tốt đồng thời cả hai nhiệm vụ là nhiệm vụ nuôi và nhiệm vụ dạy với trẻ em.

Do đặc điểm tâm sinh lý và độ tuổi của trẻ mầm non nên đội ngũ giáo viên ở cấp học này đóng vai trò tạo nền tảng cho sự phát triển đầu đời hình thành nhân cách cho trẻ sau này. Vì vậy, giáo viên mầm non thực chất cần phải đáp ứng được những yêu cầu cao chứ không phải là thấp và họ cần phải có những phẩm chất, năng lực rất riêng, phù hợp với mức độ, tính chất của công việc.

Hiện nay chuẩn giáo viên mầm non đang là trình độ trung cấp sư phạm mà hệ trung cấp với yêu cầu thời gian đào tạo là 02 năm, thực học khoảng 18 tháng, thời gian học lý thuyết nhiều, thực hành ít, chương trình còn thiếu tính hệ thống, yêu cầu tuyển sinh đầu vào không cao nên trình độ trung cấp khó thu hút được học sinh giỏi vào nghề.

Từ quá trình đào tạo chưa đủ độ chín như vậy, sinh viên mầm non đã tốt nghiệp và trở thành giáo viên kéo theo những áp lực và khó khăn trong công việc đối với bản thân họ, dẫn đến thiếu kỹ năng giáo dục cho trẻ hay phương pháp giáo dục chưa phù hợp.

Phần lớn các nước phát triển đều yêu cầu giáo viên mầm non phải có trình độ đại học hoặc sau đại học, đặc biệt ở một số quốc gia sinh viên sư phạm trước khi đi thực tập ngoài yêu cầu về trình độ còn phải được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận đáp ứng đủ điều kiện làm việc với trẻ em thì mới được tiếp xúc với trẻ. Nhiều nước ở trong khu vực chúng ta như Singapore, Thái Lan, Malaysia cũng yêu cầu giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên. Do đó, vấn đề nâng chuẩn giáo viên mầm non đối với Việt Nam là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội cũng như đảm bảo mặt bằng chung tương đương với khu vực và thế giới.

ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định).

Bên cạnh những lý do cho thấy cần thiết phải thực hiện nâng chuẩn giáo viên mầm non, đại biểu này thấy còn những băn khoăn: “Thứ nhất, đề nghị làm rõ trong quá trình thực hiện lộ trình nâng chuẩn thì các cơ sở mầm non có được tuyển mới giáo viên ở trình độ trung cấp sư phạm nữa hay không? Bởi tính đến cuối năm 2018, xét về thực trạng đội ngũ giáo viên mầm non phổ thông chúng ta có hơn 1,1 triệu giáo viên, trong đó mầm non là trên 300.000 người, số giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn chiếm hơn 30% trong số đó.

Tại thời điểm năm 2020 dự kiến Luật này có hiệu lực thì con số giáo viên chưa đạt chuẩn lên tới hàng chục nghìn người so với nhu cầu sử dụng. Theo định mức quy định số giáo viên mầm non còn thiếu tính đến cuối năm 2018 là trên 43.000 người, chiếm đến gần 60% trong số giáo viên cả nước còn thiếu sau khi đã được giao biên chế để tuyển dụng.

Vậy, nếu quy định không cho phép tuyển mới giáo viên mầm non ở trình độ trung cấp sư phạm sẽ gây khó khăn cho các địa phương còn đang thiếu giáo viên một cách cục bộ, vì khi đang thiếu có được giáo viên mầm non ở trình độ trung cấp cũng là đáng quý chứ đừng đòi hỏi đến trình độ cao hơn là cao đẳng, sư phạm”.

Vì thế, ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định thể hiện rõ quan điểm về vấn đề này, cho phép hay không cho phép tuyển mới giáo viên mầm non ở trình độ trung cấp sư phạm, đặc biệt với một số địa phương còn đang khó khăn. Nếu các cơ sở này được phép tuyển mới, như vậy có làm tăng thêm khó khăn cho lộ trình đào tạo, nâng chuẩn hay không.

Bên cạnh đó, với thời gian đào tạo 1 năm, lộ trình thực hiện trong 5 năm, theo hình thức đào tạo liên thông, đại biểu Thảo cho rằng, nếu chỉ tính riêng chi phí đào tạo khoảng 8 triệu đồng/người/năm thì trung bình mỗi năm cần đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho công tác này. Vậy, nguồn lực tài chính ở đâu để thực hiện, đề nghị dự thảo luật bổ sung quy định làm rõ nguồn gốc tài chính để tránh vướng mắc cho các cơ quan quản lý cũng như các cơ sở giáo dục khi thực thi chính sách đào tạo này. Bên cạnh đó, nâng được chuẩn trình độ đào tạo nhưng thực sự có nâng được chất lượng giáo viên mầm non hay không?

Nên kéo dài thời gian nâng chuẩn?

Đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cũng cho rằng: Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chuẩn hóa đối với giáo viên, khi Luật này có hiệu lực bỗng nhiên hàng vạn giáo viên không đạt chuẩn sẽ rất tâm tư và lo lắng.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai).

“Ai cũng biết nâng cao trình độ giáo viên là điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, từ thực trạng hiện nay cần tính toán lại tính khả thi và các tác động tiêu cực của quy định này, thậm chí dễ bị lạm dụng. Bởi lẽ, theo thống kê của bộ Giáo dục và Đào tạo tính đến ngày 01/01/2018 có 80.000 giáo viên mầm non có trình độ dưới cao đẳng, giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng, trung học và dưới trung học, sư phạm là 159.947 chiếm 40,37%, giáo viên trung học cơ sở có trình độ đại học tỷ lệ thấp hơn.

Mặt khác, giáo viên mầm non đang thiếu trầm trọng, như đại biểu Thảo đoàn Nam Định cũng đã nêu. Như vậy, nguồn lực từ đâu, đội ngũ giảng viên sư phạm, trường, cơ sở vật chất có đáp ứng được không? Ai dạy thay cho người đi học? Nhất là xu thế dạy hai buổi hiện nay để đào tạo cho hàng vạn giáo viên từ mầm non, trung học cơ sở đạt trình độ chuẩn như trên. Hơn nữa thời gian này trùng hoàn toàn với chu kỳ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên cần dành nhiều thời gian cho việc tiếp cận thực hiện  chương trình hơn là tham gia công tác đào tạo.

Tôi đề nghị dự thảo luật cần tính toán kéo dài thời gian, thậm chí là 10 năm, để chuẩn hoá số lượng lớn giáo viên này, đồng thời có quy định việc tuyển giáo viên mới từ các năm học sau phải đạt chuẩn theo Điều 72. Mặt khác, các trường trung cấp hệ trung cấp sư phạm hiện nay phải kịp nâng cấp chuẩn cho phù hợp với luật này”, vị đại biểu đoàn Gia Lai nêu quan điểm.