Văn hoá

Hàng trăm khán giả xúc động đến bật khóc khi xem vở kịch Điều còn lại

Mới đây, nhà hát Kịch Việt Nam đã ra mắt vở kịch Điều còn lại. Đây là câu chuyện về một gia đình thời hậu chiến. Nhiều khán giả đã khóc khi xem những hình ảnh xúc động về tình người trong vở kịch

Theo đó, tối 26/5, nhà hát Kịch Việt Nam đã tổ chức tổng diễn vở kịch Điều còn lại do nghệ sĩ Kiều Minh Hiếu làm đạo diễn. 

Đạo diễn trẻ cho biết anh, đồng cảm với câu chuyện kịch và các nhân vật, đặc biệt cảm phục nhân vật người mẹ với biết bao hy sinh thầm lặng. Dù chiến tranh đã đi qua, nhưng vết thương vẫn để lại trong mỗi người và tình yêu thương, sự bao dung, nhân ái đã giúp con người vượt qua, bước tiếp, xây dựng cuộc sống tốt đẹp. 

Câu chuyện Kịch xảy ra ở làng Bòng thời hậu chiến.

Vở kịch Điều còn lại kể câu chuyện về thời hậu chiến ở làng Bòng. Nhân vật chính là Thuyến – một cô gái mới 18 tuổi, lấy chồng được mấy hôm thì Bân – chồng cô vào bộ đội. Sau một thời gian, cô gặp Bường – một người bộ đội đi qua làng đã nảy sinh tình cảm với nhau. Hai người bị làng xóm, chính quyền đấu tố vì tội “hủ hóa” nhưng bà Muộn - mẹ chồng Thuyến đã lên tiếng bênh vực cho con dâu, vì một lý do: muốn có đứa cháu để trông cậy về sau này.

Mấy năm sau, Bân – chồng Thuyến trở về. Mọi việc vỡ lở và Bân không chấp nhận được sự thật đó. Câu chuyện của gia đình nhà Thuyến – Bân bắt đầu từ đây. Những cao trào, nút thắt của vở diễn khiến khán giả hồi hộp. Vở kịch này có cách diễn gần gũi, xúc động, có những đoạn giải quyết tâm lý khiến khán giả xúc động và bật khóc vì đồng cảm với nhân vật trên sân khấu.

Vở kịch lấy đi nhiều nước mắt của khán giả.

Đạo diễn Kiều Minh Hiếu chia sẻ thêm: "Đây là bi kịch của những người tốt. Trên cơ sở kịch bản này tôi quyết định dàn dựng vở diễn với ý tưởng không lên án chiến tranh mà đi sâu vào khai thác về con người, về cách ứng xử giữa con người với con người trước những mất mát do chiến tranh gây ra. Kịch khai thác đời sống tâm lý của các nhân vật, cách ứng xử, đối diện với nỗi đau mất mát. Cứ khoét sâu vào vết thương để nó không bao giờ lành hay chia sẻ cảm thông, lấy tình yêu thương để xoa dịu nỗi đau".

Với thiết kế sân khấu mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần sang trọng. Chất liệu âm nhạc mượt mà, sâu lắng, trữ tình vở kịch được nhiều nghệ sĩ, khách mời đánh giá cao. 

Đây cũng là vở kịch đầu tiên nhà hát Kịch Việt Nam cho ra mắt dàn diễn viên trẻ, đẹp vừa trúng tuyển trong đợt thi sát hạch. Nhà hát đã tạo cơ hội và các em đã kịp tỏa sáng trong tác phẩm đầu tiên này.