Văn hoá

Hàng nghìn người dân trắng đêm rước “ông lợn” để cầu may

Theo tục lệ, 17 "ông lợn" đạt tiêu chuẩn tham dự lễ rước lợn sẽ được các bô lão thực hiện tế thần vào đúng 12h đêm. Lễ tế sẽ kéo dài đến 2h sáng hôm sau, tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch.

Năm nào cũng vậy, cứ 18h ngày 13 tháng Giêng âm lịch, bất kể nắng hay mưa, dân làng La Phù vẫn giữ truyền thống mổ lợn và rước lợn vào đình làng. Theo truyền thống lâu đời, hội là dịp tưởng nhớ Tĩnh Quốc, vị anh hùng của làng La Phù dưới thời Hùng Vương, mở tiệc khao quân trước khi lên đường đánh giặc. Tích xưa truyền lại, khi đó người dân trong vùng mang lợn đến dâng để tỏ lòng biết ơn và gọi ông là Thành Hoàng.

“Ông lợn” đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Cứ đến dịp đầu xuân năm mới là người dân trong vùng lại tưng bừng phấn khởi tổ chức lễ tế “ông lợn”.

Clip: Cận cảnh "ông lợn" trước giờ tế lễ ở làng La Phù

Mặc dù có mưa nhưng người dân vẫn đổ về ngày một đông đúc, thức trắng đêm để cầu mong một năm làm ăn gặp nhiều thuận lợi, mưa thuận gió hòa.

Các “ông lợn” đều là lợn đực đã thiến và quan trọng nhất phải có đuôi. 

Lợn tế khi lên kiệu dáng đẹp, da đẹp dân làng tin rằng trong năm sẽ gặp những điều thuận lợi khi làm ăn.

Xưa kia, chủ yếu nuôi giống lợn nội, các "ông lợn" tế chỉ dưới 50kg. Ngày nay, các "ông lợn" tế càng to càng tốt, tối thiểu phải 250kg trở lên. Lợn to để sau khi tế lễ xong còn chia phần thụ lộc.

Nhiều người cầu mong một năm gặp nhiều may mắn, làm ăn phát tài.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, anh Chiến - người dân sinh sống tại làng La Phù cho hay: “Đến với lễ rước lợn năm nay, tôi cầu mong năm nay bản thân tôi sẽ gặp nhiều may mắn hơn trong công việc và mong cuộc sống, gia đình tốt đẹp hơn”.

Lễ hội năm nay, các xóm chọn ra được 17 "ông lợn" đạt tiêu chuẩn để tham dự. 17 "ông lợn" sẽ được mổ và làm sạch trước khi đem đến lễ rước. Đến 21h ngày 13 tháng Giêng, các “ông lợn” lần lượt được rước vào đình dưới sự hướng dẫn của ban tổ chức và các bậc cao niên. Sau khi lợn tế được rước vào cung cấm, không ai được phép lại gần. Đúng 12h đêm, các bô lão sẽ bắt đầu lễ. Lễ tế sẽ kéo dài đến 2h sáng hôm sau, tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch. 6h sáng sẽ tiến hành nghi thức xẻ thịt cho tất cả các hộ trong làng.

Hữu Thắng - Thu Huyền