Văn hoá

Hàng nghìn người chen chúc xô đẩy trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Lễ hội năm nay bao gồm 15 trận dấu đến từ 7 phường trong quận. Qua đánh giá, 16 ông trâu tham gia lễ hội đều có thể hình khá đẹp, đồng đều.

Khung cảnh hỗn loạn khi hàng nghìn người chén lấn, xô đẩy, đè lên nhau để qua cửa mong vào bên trong xem các "ông trâu" thi đấu.

Sáng sớm 7/9 (tức ngày 9/8 âm lịch) hàng vạn người dân Hải Phòng và các địa phương lân cận đã đổ về quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng để tham dự lễ hội chọi trâu.

Khung cảnh tấp nập tại sân vận động Đồ Sơn (Hải Phòng).

Với sức chứa gần 30 nghìn khán giả nhưng sân chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) đã "vỡ trận" khi chưa bắt đầu khai mạc.

Theo ghi nhận của báo Tiền Phong, tại địa điểm tổ chức chọi trâu, hàng nghìn người dân chen lấn xổ đẩy để có "suất" ngồi xem các ông trâu chọi.

Theo đó, ban Tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) năm nay sẽ không bán vé, tuy nhiên, do Lễ hội tổ chức vào cuối tuần nên số lượng người tham dự được dự báo sẽ đông hơn so với mọi năm nên để đảm bảo an toàn trên sân, ban tổ chức lễ hội sẽ đóng cổng khi trong sân vận động quận đạt sức chứa.

Lễ hội năm nay sẽ bao gồm 15 trận dấu đến từ 7 phường trong quận. Qua đánh giá, 16 ông trâu tham gia lễ hội đều có thể hình khá đẹp, đồng đều.

Cũng như mọi năm, ban tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã xác định được 8 cặp đấu bước vào kháp đấu loại trực tiếp qua hình thức bốc thăm. Sau các vòng loại, hai ông trâu xuất sắc sẽ bước vào kháp đấu chung kết.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, còn gọi là đấu ngưu, là một tập tục cổ, có từ xa xưa, một lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm.

Trong văn hóa cộng đồng người dân Hải Phòng, còn lưu truyền câu ca cổ:

"Dù ai buôn đâu bán đâu

Mùng chín tháng tám chọi Trâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Mùng chín tháng tám nhớ về chọi Trâu".

Để chuẩn bị người nuôi trâu đã phải lựa chọn rất công phu trong việc tìm và nuôi dưỡng trâu, chăm sóc kĩ lưỡng trong khoảng một năm.

Thông thường thì sau Tết Nguyên đán, các sới chọi đều cử người có nhiều kinh nghiệm đi khắp nơi để mua trâu, có khi họ phải lặn lội hàng tháng trời vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, thậm chí lên tận Tuyên Quang, Bắc Kạn... mới tìm được con trâu vừa ý.

Trâu phải là những con trâu đực khỏe mạnh, da đồng, lông móc, một khoang bốn khoáy, hàm đen, tóc tráp (lông trên đầu cứng, dày để tránh nắng), có ức rộng, cổ tròn dài và hơi thu nhỏ về phía đầu, lưng càng dày, càng phẳng có khả năng chống chịu được đòn của đối phương, háng trâu phải rộng nhưng thu nhỏ về phía hậu càng nhọn càng quý.

Sừng trâu phải đen như mun, đầu sừng vênh lên như hai cánh cung, giữa hai sừng có túm tóc hình chóp trên đỉnh đầu là khoáy tròn, mắt trâu phải đen, tròng đỏ.

Lễ hội chọi trâu có hai phần, phần lễ và phần hội đan xen. Từ ngày mùng một đầu tháng, các vị cao niên các làng có trâu chọi làm lễ tế thần Điểm Tước ở đình Tổng.

Sau đó là lễ rước nước, gắn với tục tế Thuỷ thần. Lọ nước thần mỗi năm thay một lần được từng làng mang về đình riêng.

Kết thúc lễ hội, ông trâu thắng cuộc được làm lễ rước trở về. Sáng ngày 10/8, toàn bộ ông trâu tham gia lễ hội được đem giết thịt làm lễ vật tế thần ở đình, có kèm theo một đĩa đựng tiết và lông trâu (mao huyết). 

Sau đó, đĩa mao huyết được đổ xuống biển, phần còn lại được chia lộc thần cho dân với niềm tin một vụ khai thái mới bình an, nhiều tôm cá.

Minh Anh (Tổng hợp)