Dân sinh

Hàng nghìn hộ dân thiếu nước tưới - Bài 1: Hồ thủy lợi gần 3.000 tỷ chờ... "vùng tưới"

Hồ thủy lợi Ia Mơr được đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, với sức chứa 180 triệu m3 nước nhưng chưa hoạt động hết công suất vì vướng đất rừng.

Kho nước “khổng lồ” chưa hoạt động hết công suất

Xuất phát từ yêu cầu ổn định dân cư khu vực biên giới Campuchia, trong giai đoạn từ năm 1995-1998, Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr với mục tiêu đảm bảo sản xuất, ổn định đời sống dân cư khu vực 3 xã biên giới của 2 tỉnh, gồm: Gia Lai (xã Ia Mơr) và Đắk Lắk (xã Ia Lốp và xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp).

Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện dự án, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk hoàn chỉnh hồ sơ và phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 2954 ngày 27/10/2005.

Kênh dẫn nước của công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr.

Theo đó, công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr được xây dựng với tổng mức đầu tư các giai đoạn gần 3.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Quy mô của dự án gồm: Hồ chứa Ia Mơr dung tích 177,8 triệu m3 nước, hồ chứa Plei Pai dung dích 20,9 triệu m3 nước, đập dâng Ia Lốp và các hệ thống kênh với chiều dài 110km.

Dự án nhằm cấp nước tưới cho 14.347ha đất canh tác (trong đó địa bàn Gia Lai 10.347ha và Đắk Lắk 4.000ha), tạo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 50.000 người, kết hợp giảm lũ hạ du, phát điện, nuôi trồng thủy sản và du lịch.

Có thể thấy, việc xây dựng công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr như một “cú hích” nhằm đánh thức tiềm năng về nông nghiệp, đồng thời tạo ra nguồn nước dồi dào, cung cấp cho các cánh đồng sau nhiều năm liên tục khô hạn. 

Hồ chứa nước Ia Mơr dung tích 177,8 triệu m3 nước nhưng chưa được khai thác triệt để.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến nay, dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr đã hoàn thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2, đảm bảo đủ năng lực cấp nước tưới cho 14.347ha.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ hình thành khu tưới khoảng 9.449ha (đạt 66% nhiệm vụ đề ra). Phần vùng tưới còn lại 4.898ha (trên địa bàn tỉnh Gia Lai) chưa được hình thành do chưa chuyển mục đích sử dụng rừng.

Trong 9.449ha khu tưới hình thành, có 7.170ha đã đầu tư hệ thống kênh tưới và 2.279ha đang tiếp tục đầu tư. Cụ thể, khu tưới của hồ Plei Pai và đập dâng Ia Lốp (trên địa bàn tỉnh Gia Lai) có diện tích 1.847ha đã hoàn thành và phát huy hiệu quả từ năm 2014.

Đối với khu tưới của hồ Ia Mơr, tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk tổng diện tích khu tưới theo thiết kế của dự án là 4.000ha. Đến nay, đã hình thành khu tưới đảm bảo diện tích 4.000ha. Hệ thống kênh chính, kênh cấp 1 phục vụ cho khu tưới đã cơ bản hoàn thành phần thi công xây dựng, đang triển khai công tác hoàn thiện để bàn giao đưa vào sử dụng.

Hồ thủy lợi Ia Mơr chưa hoạt động hết công suất vì vướng đất rừng.

Tại địa bàn tỉnh Gia Lai, với 3.602ha đã hình thành khu tưới, trong đó có 1.323ha đã đầu tư hệ thống kênh, phát huy hiệu quả phục vụ tưới vào năm 2021; còn lại diện tích 2.279ha Bộ NN&PTNT bố trí đủ vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kênh.  

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr cho hay, trên địa bàn xã có 635 hộ dân, với 2.675 khẩu. Trước đây, do không có nước, thủy lợi nên người dân địa phương chỉ làm được một mùa lúa khô và phụ thuộc vào nước trời.

Hiện tại, công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr đã phục vụ tưới cho khoảng 700-800ha đất nông nghiệp trên địa bàn. Trong vụ mùa này, xã sẽ triển khai cho người dân làm lúa nước 2 vụ/năm.

“Nhân dân và cấp ủy chính quyền kỳ vọng, công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr góp phần phát triển nông nghiệp lúa nước 2 vụ, nhằm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo theo hướng đa canh các loại cây trồng và ổn định dân cư khu vực biên giới”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Loay hoay chuyển đổi rừng

Liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án công trình hồ thủy lợi Ia Mơr, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến nay, UBND tỉnh Gia Lai đã thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng hơn 3.301ha để xây dựng công trình đầu mối và một phần hệ thống kênh.

Còn lại, hơn 4.757ha rừng thuộc vùng tưới hồ Ia Mơr (nằm trong phạm vi diện tích 4.898ha đất tự nhiên vùng dự án) chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Ngày 23/2, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai đã có tờ trình số 40 trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề xuất dự án công trình thủy lợi Ia Mơr giai đoạn 3.

Trong đó, bao gồm các nội dung chuyển mục đích sử dụng rừng hơn 4.757ha rừng tự nhiên để xây dựng khu tưới; sắp xếp ổn định dân cư khu vực biên giới và xây dựng hệ thống kênh nhánh còn lại.

Cây rừng đang tái sinh mạnh mẽ trên diện tích hàng nghìn héc-ta rừng chưa chuyển mục đích sử dụng.

Sau khi có ý kiến của cấp thẩm quyền nêu trên, UBND tỉnh Gia Lai hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích đất nông nghiệp.

Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có kết quả về việc chuyển mục đích sử dụng hơn 4.757ha rừng thuộc vùng tưới của công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr.

Trong lúc chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương xã Ia Mơr và các cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp để quản lý nghiêm ngặt, bằng mọi giá phải giữ hơn 4.757ha rừng nêu trên.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr cho hay, hơn 4.757ha rừng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nói trên đều nằm trên địa bàn xã Ia Mơr. Cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền địa phương không biết cấp có thẩm quyền có đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích rừng này thành vùng tưới hay không.

Theo thông tin từ chính quyền địa phương xã Ia Mơr, hiện có khoảng 1.000ha nương rẫy của người dân (đã canh tác lâu đời) xen kẽ bên cạnh diện tích rừng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. 

Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr lý giải, bà con nhân dân không ổn định về tư tưởng. Xuất phát từ ý nghĩ cho rằng diện tích đất rừng này sẽ được chuyển đổi thành đất nông nghiệp nên người dân lén lút phá, lấn chiếm đất rừng, cơi nới các nương rẫy cũ để mở rộng diện tích.

Thậm chí, lợi dụng việc sản xuất nương rẫy xen kẻ bên cạnh rừng, người dân lén lút phát rừng vào ban đêm nhưng đều bị lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Hiện vẫn chưa có kết quả về việc chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 4.757ha rừng thuộc vùng tưới hồ thủy lợi Ia Mơr.

Cũng theo ông Tuấn Anh, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn có 7 vụ cơi nới, lấn chiếm đất rừng. Trước tình hình này, chính quyền xã Ia Mơr đã bố trí lực lượng dày đặc, phối hợp với các lực lượng biên phòng ngày đêm tuần tra, bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, huyện Chư Prông đã thành lập 2 tổ liên ngành để phối hợp với 4 tổ chốt của xã tổ chức mai phục xuyên ngày đêm để ngăn chặn tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng đã tăng cường lực lượng cơ động của Chi cục Kiểm lâm tỉnh xuống phối hợp bảo vệ rừng.

Xuất phát từ thực trạng nói trên, chính quyền xã Ia Mơr mong muốn cơ quan có thẩm quyền cần có phương án rõ ràng về vấn đề được hay không được chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 4.757ha rừng thành vùng tưới.

Từ đó, ổn định dân cư và chuyển đổi vùng tưới nhằm phát huy năng lực của hồ thủy lợi Ia Mơr, phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời, đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ngày 7/3/2022, UBND huyện Chư Prông đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-UBND thành lập 2 tổ công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại khu vực công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr.

Theo quyết định này, các tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định. Tổ trưởng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuần tra, truy quét, tổ chức lực lượng, phân công nhiệm vụ cho các thành viên thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện định kỳ (hoặc đột xuất) về UBND huyện (qua Hạt Kiểm lâm).

Khánh Ngọc

Bài 2: Hàng nghìn hộ dân thiếu nước tưới - Bài 2: Xã biên giới “khát” nước

(Còn nữa...)