Hồ sơ điều tra

Hàng loạt vụ xử lý hàng cấm, hàng lậu bị "đóng băng": Vì sao khó giải quyết?

Hàng chục nghìn vụ việc buôn lậu hàng cấm, hàng lậu, hàng giả… đã bị cơ quan chức năng TP.HCM phát hiện, bắt giữ trong 6 tháng đầu năm 2019. Trong số này, có gần 60 vụ bị khởi tố. Tuy nhiên, rất nhiều vụ việc đang bị “đóng băng” do các công ty “ma” thực hiện.

Theo báo cáo của ban Chỉ đạo 389 TP.HCM: Trong 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng tại TP.HCM đã kiểm tra, phát hiện gần 22.000 vụ vi phạm, khởi tố 58 vụ liên quan đến hàng cấm, hàng lậu và gian lận thương mại. Trong số đó, có 1.900 vụ về hàng cấm, hàng nhập lậu, gần 19.000 vụ về gian lận thương mại và hàng giả là 348 vụ.

Đánh giá thực trạng hàng lậu, hàng giả trên địa bàn, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Phương thức và thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi, không theo trình tự thời gian cụ thể nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Đặc biệt là tình trạng các đối tượng buôn lậu thành lập công ty “ma” đang là vấn đề hết sức nhức nhối đối với cơ quan chức năng”.

Thực tế như vụ công ty đứng ra nhập… hơn 2 tấn ngà voi châu Phi trị giá hàng trăm tỷ đồng cách đây chưa lâu thực chất là một công ty “ma”. Theo đó, công ty đứng ra nhập lô hàng nói trên là công ty TNHH TM-DV Diệu Tiên, có địa chỉ 66/8 đường Thái Thiết, phường 11, quận Tân Bình.

Trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia thì đến thời điểm này, công ty Diệu Tiên vẫn trong tình trạng “đang hoạt động”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, tại số 66/8 là 1 cửa hàng tạp hóa chừng 10m2, hoàn toàn không hề có bất cứ một công ty nào trên con hẻm nhỏ này. Công ty này được sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0113525452, ngày 9/11/2015, có người đại diện pháp luật là Đoàn Vương Tuyết M..

Theo một nguồn tin của PV thì hiện nay, công ty này đã ngừng hoạt động nhưng chưa đóng mã số thuế. Tuy nhiên, trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia thì đến thời điểm này, công ty Diệu Tiên vẫn trong tình trạng “đang hoạt động”.

Vào ngày 5/10/2018, công ty Diệu tiên mở tờ khai hải quan để nhập 2 container hàng là gỗ xoan đào Mozambique và lô hàng này được phân luồng vàng (kiểm tra hồ sơ). Khi tiến hành soi chiếu thì phát hiện nghi vấn nên lô hàng bị giữ lại để kiểm tra và phát hiện một số vật khác, nghi là ngà voi nên đem đi giám định.

Với phương thức giấu hàng trăm khúc ngà voi trong 12 khối gỗ, công ty Diệu Tiên đã thuê một công ty khách chuyên lo thủ tục hải quan để nhập lô hàng này với giá 4 triệu đồng. Tuy nhiên, toàn bộ hồ sơ, giấy giới thiệu, giấy chứng nhận kiểm định thực vật và các loại phí khác… đều được công ty Diệu Tiên cung cấp đầy đủ.

Theo tìm hiểu, điều tra của PV, các công ty này chủ yều là mới được thành lập, có lý lịch sạch hoặc là những doanh nghiệp cố tình thay tên đổi họ, chuyển sang địa chỉ khác hoạt động sau khi đã bị phát hiện vi phạm.

Các công ty “ma” thực hiện hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm rất khó xử lý.

Liên quan đến tình trạng này, ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Cơ quan hải quan đã rà soát, kiểm tra và thống kê được có gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM lập địa chỉ “ma” để buôn lậu, gian lận thương mại. Danh sách này đã gửi chơ cơ quan chức năng điều tra, truy tố theo quy định của pháp luật”.

Về tình trạng thành lập công ty “ma” để thực hiện hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại, ông Tuyến cho rằng: “Thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay rất đơn giản, khi cơ quan chức năng phát hiện có vi phạm, tiến hành xác minh trụ sở, địa bàn của doanh nghiệp thì không có. Trong khi đó, người đại diện theo pháp luật là người được các đối tượng thuê. Nhiều trường hợp người đại diện còn bị mất hành vi dân sự”.