Sự kiện

Hàng loạt sự kiện có nguy cơ huỷ bỏ, lãnh đạo TP.HCM trấn an người dân

Trước lo lắng của người dân, doanh nghiệp về chỉ thỉ huỷ bỏ, tạm dừng các sự kiện cuối năm, lãnh đạo UBND TP.HCM đã lên tiếng trấn an.

Tâm lý lo lắng bao trùm

Sáng 30/1, chính quyền TP.HCM họp khẩn, công bố 1 ca dương tính SARS-CoV-2 đi từ Hải Dương vào địa phương. Vì vậy, một bộ phận người dân đang lo ngại.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, trong 30-31/1, TP.HCM tổ chức chương trình nhạc hội đờn ca tài tử Nam bộ. Giám đốc sở Văn hóa Thể thao TP.HCM Trần Thế Thuận kiến nghị UBND Thành phố này rút ngắn thời gian tổ chức chương trình còn 1 ngày.

“Đêm diễn tối nay (30/1) vẫn diễn ra nhưng các đại biểu, khách mời và khán giả đến tham dự phải tuân thủ quy định phòng chống dịch như đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang.

Bên cạnh xin ý kiến về chuỗi sự kiện này, phía sở Văn hoá Thể thao còn bày tỏ lo ngại cho hoạt động chợ hoa Trên bến dưới thuyền tại quận 8 chào mừng Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Các hoạt động chào mừng Tết Nguyên đán như chợ hoa đang lo ngại chỉ thị huỷ bỏ.

Về phía sở Du lịch TP.HCM, cơ quan này đã rà soát du khách đến từ Hải Dương và Quảng Ninh. Theo đó, có 20/32 cơ sở lưu trú đã báo cáo có 71 người từ Hải Dương và 84 người từ Quảng Ninh, tổng cộng 155 người.

Chiều ngược lại, có 1.253 người từ TP.HCM đi du lịch Quảng Ninh, Hải Dương rồi quay về. Từ 12h ngày 28/1, tất cả công ty lữ hành chấp hành quy định, không tổ chức đưa khách đến 2 tỉnh đang có dịch bệnh.

Sau khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các khách sạn, trung tâm hội nghị đã nhận hàng loạt yêu cầu hủy tiệc tất niên. Các doanh nghiệp lữ hành cũng chịu ảnh hưởng khi nhiều đoàn khách hủy, hoãn chuyến đi.

“Vì thế, chúng tôi đã có văn bản gửi sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh và sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương cùng các hãng hàng không có phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp lữ hành như gửi lại tiền cọc, hỗ trợ chuyển thời gian tổ chức”, Giám đốc sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa thông tin.

Còn ông Phạm Minh Mẫn, Chủ tịch UBND quận Tân Phú cho hay, trên địa bàn có 25 người thuộc diện F1 của ca nhiễm mới tại TP.HCM, đã xét nghiệm 16 mẫu, có 2 mẫu âm tính.

“Hiện nay, địa phương có 1 học sinh ở trường tiểu học Tô Vĩnh Diện đi về từ Chí Linh, Hải Dương. Do vậy, theo chỉ đạo của ngành y tế, trong lúc chờ kết quả xét nghiệm của trường hợp đó, toàn bộ học sinh cùng lớp đã được nghỉ học”, ông Mẫn báo cáo.

Qua trao đổi với cảng vụ hàng không miền Nam, trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) nhận thấy, sân bay Tân Sơn Nhất có 5 chuyến đến từ sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) với tổng cộng 750-800 hành khách mỗi ngày trong thời gian qua. Như vậy, trung bình mỗi chuyến có 150-180 hành khách.

Ước tính, nếu chỉ 50% số hành khách lưu trú tại TP.HCM, số lượng người cần cách ly trên địa bàn có thể lên tới 3.000-5.000 người.

Chưa đến mức dừng tất cả hoạt động

Phát biểu trong buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đánh giá, hiện nay là khoảng thời gian sôi động nhất của hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ. Vì thế, cần có đánh giá sát tình hình để đưa ra những biện pháp phù hợp.

“Từ hướng dẫn cụ thể của ngành y tế, các ngành, đơn vị, địa phương sẽ có cân nhắc trong các hoạt động tùy theo tình hình dịch bệnh. Từ đó, xem xét và quyết định về thời điểm hạn chế các hoạt động cũng như quy mô, phạm vi của các sự kiện diễn ra trước và sau dịp Tết Nguyên đán”, bà Thắng chỉ ra.

Liên quan đến kinh phí phòng chống dịch, bà Thắng yêu cầu sở Tài chính chủ trì buổi làm việc với các ngành, đơn vị để có hướng dẫn thống nhất, kịp thời.

Lãnh đạo UBND TP.HCM họp trực tuyến với các quận, huyện và Sở, ngành để kịp thời chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19.

Khẳng định TP.HCM đến thời điểm hiện tại chưa có phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng, chỉ có nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài vào nên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan kêu gọi người dân trên địa bàn cùng nhau hợp tác, chia sẻ với các chủ trương, quyết sách của chính quyền.

Cụ thể là tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhưng cũng không nên quá hoang mang, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh tuyên truyền, công tác vận động người dân tự giác, chủ động khai báo y tế, các ngành và đơn vị cần tập trung truy vết các trường hợp tiếp xúc gần  với ca nghi nhiễm vừa phát hiện.

Về việc huỷ bỏ các sự kiện, chương trình có tập trung đông người, ông Hoan cho rằng, không cần thiết để tránh tâm lý hoang mang.

“Đến nay, Thành phố chưa có bất kỳ ý kiến, chỉ đạo nào về việc dừng các hoạt động, sự kiện, lễ hội từ nay đến Tết Tân Sửu. Việc tổ chức các sự kiện cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch và đơn vị tổ chức tự cân nhắc thay đổi quy mô, tính chất, phương án thực hiện phù hợp”, ông Hoan chỉ đạo.

Đối với các sự kiện cấp thành phố, ông Hoan khẳng định, chương trình vẫn tổ chức bình thường nhưng rút ngắn thời gian hoạt động, giảm bớt quy mô, bố trí ngồi giãn cách, thực hiện quy định 5K và đo thân nhiệt nghiêm ngặt.

Đặc biệt, chính quyền TP.HCM bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người, nơi có nguy cơ cao như cơ sở khám chữa bệnh, chợ, siêu thị, trường học, cơ sở sản xuất, bến xe, bến cảng, sân bay, ga tàu, các nơi vui chơi giải trí..., trên các phương tiện giao thông công cộng.

Lãnh đạo TP cũng yêu cầu sở Y tế có hướng dẫn cụ thể cho người dân về quê ăn Tết theo phương châm an toàn – lành mạnh – vui tươi – tiết kiệm.

Trong đó, không nên về nếu quê là nơi đang có dịch bệnh. Nếu về thì phải thực hiện cách ly theo đúng quy định. Đối với người dân ở lại TP.HCM đón Tết, cần đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu yếu phẩm, địa điểm vui chơi an toàn và thực hiện phòng chống dịch nghiêm túc.

Về các khu cách ly, các quận, huyện và sở, ngành đang quản lý khu cách ly thìần nâng cao trách nhiệm bố trí lực lượng để túc trực, các nguồn lực liên quan để sẵn sàng khi có lệnh điều động phục vụ theo quy định.