Kinh tế vĩ mô

Hàng loạt địa phương để xe quá tải, xe cơi nới kích thước hoạt động

Tình trạng xe quá tải đang bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh thành, nhiều xe cơi nới kích thước để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên nhiều tuyến quốc lộ.

Nhiều vi phạm tại các địa phương

Theo thông tin từ tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong tháng 8, các trạm kiểm tra tải trọng xe trong cả nước đã tiến hành kiểm tra 3.590 xe, trong đó có 350 xe vi phạm, tước 103 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 3,26 tỷ đồng.

Phía Tổng cục cũng cho hay, hàng loạt các tỉnh thành để xe quá tải hoạt động.

Đơn cử, mỗi ngày có hàng chục lượt xe “Howo” cơi nới kích thước thành thùng, chở đất quá tải lưu thông trên tuyến đê Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Tại tỉnh Tuyên Quang, các xe tải, xe ben, xe đầu kéo kéo theo sơmi rơ moóc chở cát, sỏi quá tải từ các mỏ tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, lưu thông trên Quốc lộ 37.

Tại các tỉnh phía Bắc như Thái Nguyên, nhiều xe tải cơi nới kích thước thành thùng, chở đất quá tải từ các mỏ đất tại thị trấn Quân Chu, lưu thông trên ĐT.261 và một số đường địa phương, huyện Đại Từ.

Hay như Vĩnh Phúc, nhiều xe tải cơi nới kích thước thành thùng, chở đất quá tải từ các mỏ đất tại xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, lưu thông trên ĐT.309, ĐT.309B, phục vụ Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.309B, huyện Tam Dương.

Hoặc tỉnh Thái Bình, có tới hàng trăm lượt xe tải mỗi ngày có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng, chở cát quá tải từ các mỏ cát tại xã Thụy Quỳnh, lưu thông trên QL.37 và một số tuyến đường địa phương, địa bàn huyện Thái Thụy.

Còn ở các tỉnh thành lớn như Hà Nội, hàng loạt xe có tải trọng lớn, có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng, chở đất đá vẫn hoành hành trên QL.21B.

TP.Hải Phòng phát hiện cả đoàn xe tải cơi nới kích thước thành thùng, chở đất, đá quá tải lưu thông trên ĐT.359, địa phận huyện Thủy Nguyên. Còn tại Hà Nam, nhiều xe đầu kéo kéo theo sơmi rơ moóc chở xi măng quá tải từ nhà máy xi măng Vicem Bút Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, lưu thông trên QL.21 và đường Phủ Lý - Kiện Khê đến Cảng Bút Sơn, địa bàn huyện Kim Bảng và TP. Phủ Lý.

Kế tiếp tại tỉnh Ninh Bình, nhiều xe tải cơi nới kích thước thành thùng, chở than quá tải từ các bãi than phía ngoài đê sông Đáy tại xã Khánh Phú, lưu thông trên các tuyến đường địa phương và tuyến đê sông Đáy, huyện Yên Khánh.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, các đoàn xe tải cơi nới kích thước thành thùng, chở đất quá tải từ các mỏ đất tại thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, huyện Phong Điền, lưu thông trên ĐT.16, ĐT.19, QL1; các xe tải chở gỗ quá tải lưu thông trên các tuyến đường gần khu vực Rào Trăng, huyện Phong Điền.

Tỉnh Bình Định, đặc biệt được coi là điểm nóng xe quá tải tại các mỏ đất tại xã Phước Mỹ, TP. Quy Nhơn, lưu thông trên QL1, QL19 để phục vụ san lấp dự án trung tâm dịch vụ Kho vận Logistics Quý Phước trên địa bàn xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước.

Đồng thời, phát hiện xe quá tải chở cát quá tải từ các mỏ cát tại các xã Bình Nghi, Tây Bình, huyện Tây Sơn, lưu thông trên ĐT.636B, QL19, huyện Tây Sơn.

Tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại và ngày càng gia tăng tại nhiều địa phương.

Các địa phương cần chủ động xử lý

Về tình trạng này, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đặng Văn Chung - Phó Vụ trưởng vụ An toàn giao thông (tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, tình trạng xe cơi nới để chở hàng quá tải, dẫn đến quá khổ, quá tải lưu thông trên một số quốc lộ, đường địa phương tái diễn, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Theo ông Chung, việc xe quá tải, xe cơi nới không phải là mới, song để xử lý hiệu quả tình trạng này ngoài trách nhiệm của tổng cục Đường bộ, còn có trách nhiệm của các địa phương.

“Các địa phương phải chủ động trong công tác phối hợp giữa các lực lượng công an, thanh tra giao thông, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ thì cần tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông”, ông Chung nói và cho biết, phía Tổng cục đã có đề nghị các địa phương có nhiều xe quá tải lưu thông nêu trên chỉ đạo các lực lượng chức năng, các ngành, các cấp phối hợp xử lý, không để tái diễn tình trạng xe quá tải.

Cùng với đó, Tổng cục cũng đề nghị các sở GTVT, các cục Quản lý đường bộ tại các địa phương tăng cường phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện của địa phương, kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp, các mỏ đá, mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng... và trên các tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông, đặc biệt là vào ban đêm.

Yêu cầu kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không có Giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng Giấy phép lưu hành xe giả, xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định gửi về cục Đăng kiểm để xử lý theo quy định.