Tài chính - Ngân hàng

Cổ phiếu đồng loạt bị bán mạnh, VN-Index mất hơn 20 điểm

Khi dòng tiền đầu cơ chốt lời ồ ạt và rút khỏi những cổ phiếu tăng nóng trong những phiên vừa qua, thị trường mất điểm tựa, không có dòng dẫn dắt và tuột dốc.

VN-Index giao dịch dưới ngưỡng tham chiếu trong toàn bộ phiên hôm nay. VN-Index mất hơn 20 điểm trong sáng đầu tuần khi thị trường thiếu thông tin hỗ trợ, cộng thêm áp lực bán ồ ạt của nhà đầu tư nước ngoài.

Thị trường dần hồi phục, có thời điểm phục hồi được hơn 4 điểm. Tuy nhiên, pha đạp trụ cuối phiên khiến dòng tiền chưa thể hấp thụ kịp và VN-Index đã bốc hơi hơn 20 điểm khi đóng cửa. Có thời điểm trong phiên chiều, VN-Index ghi nhận giảm hơ 27 điểm, hầu hết các mã đều chìm trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,29 điểm (1,38%) xuống 1.446,25 điểm. Toàn sàn có 114 mã tăng, 349 mã giảm và 31 mã đứng giá. HNX-Index giảm 5,63 điểm (1,27%) xuống 436,57 điểm. Toàn sàn có 65 mã tăng, 181 mã giảm và 41 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,32 điểm (0,28%) xuống 115,05 điểm.

Nhóm VN30 hôm nay có 22 mã giảm, chỉ có 2 mã đứng giá và 6 mã tăng giá. Chỉ số đại diện nhóm này hôm nay cũng giảm tới 16 điểm. Riêng nhóm cổ phiếu trụ hôm nay đã có hơn 192 triệu cổ phiếu được sang tay. 

Các mã dầu khí ngay khi mở cửa phiên giao dịch ngày 14/3 đã biến động theo chiều hướng tiêu cực, các mã như PVC, BSR, GAS, OIP, PVD... đồng loạt lao dốc, trong đó, PVC bị bán về mức giá sàn 26.700 đồng/cổ phiếu. Các mã khác thuộc nhóm dầu khí đều giảm mạnh, đây có thể là phiên giảm mạnh nhất của nhóm này một tháng trở lại đây với mức giảm từ 4-7%. Trong đó, POS giảm 7%, BSR giảm 6,8% xuống 25.800 đồng/cổ phiếu, PVD giảm 4%, PVT giảm 6,2%, OIL giảm 7,8%... GAS giảm sâu 6,1% xuống 106.000 đồng/cổ phiếu và là mã tác động xấu nhất đến thị trường khi kéo chỉ số chung đến hơn 3 điểm.

Cổ phiếu dầu khí bị bán mạnh phiên ngày 14/3. (Ảnh minh họa) 

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu phân bón bị chốt lời mạnh cũng đồng loạt quay ra điều chỉnh. LAS giảm sàn 10%, VAF giảm 5%, TSC giảm 5,6%... Bộ đôi DCM và DPM hôm nay cũng giảm kịch sàn sau chuỗi ngày tăng mạnh.

Diễn biến trái chiều với nhóm ngân hàng khi một số mã tăng và một số lại giảm. Tuy nhiên, ở cả hai chiều, biên độ dao động không đáng kể. Một số mã ngân hàng đóng góp tích cực hôm nay vào thị trường dù không đáng kể là MBB, STB, TPB, VCB, SHB... Ngược lại, một số mã tiếp đà sắc đỏ là TCB, VPB, LPB, HDB, ABB... Đáng chú ý nhất là mã KLB của Ngân hàng Kiên Long khi tăng kịch trần lên 34.500 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu nhóm ngành thép, nhôm, inox, than, đường... cũng bị xả mạnh sau đà tăng nóng. HPG hôm nay giảm hơn 3,7% xuống 45.800 đồng/cổ phiếu. NKG của Thép Nam Kim giảm tới 6,5%, POM giảm 3,7%, TLH giảm 2,4%...

Cổ phiếu PDC của doanh nghiệp nhà đại gia Lê Thanh Thản sau 15 phiên tăng trần liên tục đã bất ngờ "quay xe" giảm sàn 3 phiên liên tiếp. Hôm nay, PDC giảm 9,7% xuống 19.500 đồng/cổ phiếu và chỉ có 1.200 cổ phiếu được giao dịch.

Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai hôm nay giảm tới 5,6% với 20,6 triệu cổ phiếu sang tay. Tuần qua, sau thông tin công bố thông tin với cổ đông và nhà đầu tư rằng sau quá trình thử nghiệm, heo nuôi theo quy trình khép kín với thức ăn chủ lực là trái chuối của HAGL đã chính thức được "ra lò" với sản phẩm gồm thịt đùi, thịt nạc, chân giò, cốt lết, sườn, ba rọi, mỡ, lòng, tai heo… cổ phiếu HAG đã tăng vào 2 phiên cuối tuần. 

Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAGL quyết định gửi tặng 1.000 cổ đông mỗi người 4 kg thịt heo tươi để dùng thử nhằm đánh giá sản phẩm. Cổ đông tại Tp.HCM, Gia Lai, Hà Nội sẽ được nhận, lý do là khâu vận chuyển hàng tươi sống cần đảm bảo thịt được bảo quản ở nhiệt độ 0-4 độ C.

Nhóm hàng không là nhóm hút dòng tiền phiên hôm nay. VJC của Vietjet tăng 4,6% và đóng vai trò lớn nhất giúp ngăn chỉ số giảm sâu hơn. HVN của Vietnam Airlines cũng tăng nhẹ 1,3% lên 26.250 đồng/cổ phiếu.

Điểm sáng hiếm hoi trong thị trường bán tháo hôm nay cũng đến từ nhóm ngành gỗ khi nhiều mã tiếp tục bứt phá sau phiên bứt phá cuối tuần vừa rồi. GTA của Gỗ Thuận An đã tăng kịch trần, TTF tăng 1,5% lên 16.850 đồng với thanh khoản đứng đầu thị trường.

Khối ngoại bán ròng phiên thứ 6 liên tiếp với 728 tỷ đồng. Tuần vừa rồi, khối ngoại bán ròng cả 5 phiên với tổng trị giá gần 5.300 tỷ đồng. Phiên hôm nay có đến 46,8 triệu cổ phiếu bị bán tháo. Bốn mã bị bán mạnh nhất với lượng bán trên 100 tỷ đồng vẫn là MSN (153 tỷ đồng), NVL (149 tỷ đồng), DXG (127,8 tỷ đồng), HPG (112 tỷ đồng). Một số mã bị bán ít hơn là SSI (77,7 tỷ đồng), GMD (72 tỷ đồng), VIC (48 tỷ đồng)... Chiều ngược lại, chỉ số ít mã được mua với khối lượng thấp là STB, VCB, VRE, DCM, DIG...

Tuần biến động mạnh của khối ngoại tại TTCK Việt Nam

Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 30.335 tỷ đồng, giảm 9% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 4,6% xuống 25.616 tỷ đồng. 

Nhìn về triển vọng thị trường tuần này, phần lớn các đơn vị phân tích cho rằng rủi ro của thị trường chứng khoán đang lớn hơn cơ hội, nhà đầu tư cần thận trọng quản trị danh mục.

Theo Chứng khoán Vietcombank, nhà đầu tư nên chú trọng quản trị rủi ro chặt chẽ và tránh lạm dụng đòn bẩy trong những thời điểm thị trường xuất hiện biến động mạnh. Việc giải ngân nhằm tích luỹ cho mục tiêu trung và dài hạn có thể được thực hiện trong những nhịp điều chỉnh như thế này, nhưng tỷ trọng không nên quá nhiều bởi VN-Index có nguy cơ hình thành vùng giá thấp hơn nếu không vượt qua mốc 1.470 điểm trong tuần này.

Chứng khoán Tân Việt đánh rằng VN-Index tạm thời mất xu hướng tăng trong trung hạn. Trong ngắn hạn, chỉ số được dự báo sẽ có nhịp kiểm tra lại đỉnh tháng 7 năm ngoái tại vùng quanh 1.425 điểm.

Mirae Asset cho rằng VN-Index đã rơi vào trạng thái giảm điểm ngắn hạn. Tuy nhiên, xu hướng đi ngang trong trung hạn vẫn duy trì khi chỉ số vẫn đang dao động trên vùng 1.400-1.430 điểm.