Kinh tế vĩ mô

Hàng hóa qua cảng biển giữ nhịp tăng trong 4 tháng đầu năm

Riêng tháng 4/2022, tổng khối lượng qua cảng biển ước khoảng 59 triệu tấn, tăng 3%. Mặt hàng container ước khoảng 2 triệu TEUs, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, 4 tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa qua cảng biển ước đạt hơn 236 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, lượng hàng hóa nội địa thông qua tăng mạnh nhất với gần 99 triệu tấn, tăng 10%.

Về lượng hàng hóa container, tính trong 4 tháng, khối lượng thông qua cảng biển đạt khoảng 8 triệu TEUs, tăng 2%. Hàng container nhập khẩu có tỷ lệ tăng mạnh nhất với hơn 2,8 triệu TEUs, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

“Riêng tháng 4/2022, tổng khối lượng qua cảng biển ước khoảng 59 triệu tấn, tăng 3%. Mặt hàng container ước khoảng 2 triệu TEUs, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020,” Cục Hàng hải thông tin.

Trước đó, thống kê của Cục Hàng hải cho thấy, một số khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng như khu vực Quảng Ninh tăng 11%, khu vực Quảng Nam tăng 19%, khu vực Đồng Nai tăng 8%, khu vực Thanh Hóa tăng 6% (từ 9,5 triệu tấn lên 10,1 triệu tấn).

4 tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa qua cảng biển ước đạt hơn 236 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Lao động.  

Theo TTXVN/Vietnam+, một số khu vực cảng biển có lượng hàng giảm mạnh như khu vực Bình Thuận giảm 13%, khu vực Cần Thơ giảm 12%, khu vực Nghệ An giảm 7%, khu vực Hà Tĩnh giảm 4%. Khu vực cảng biển lớn như Vũng Tàu cũng ghi nhận mức giảm nhẹ 3%.

Cước vận tải biển, chi phí thuê container vẫn chưa hạ nhiệt 

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian qua các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành thủy sản “đau đầu” trước tình trạng giá cước vận tải biển, chi phí logistics tăng đột biến.

Thông tin từ báo Lao Động cho biết, mặc dù trong năm 2021, giá cước tàu biển đã nhiều lần “lập đỉnh”, nhưng trong quý I/2022, tình trạng này vẫn không nguội bớt, thậm chí có phần căng thẳng hơn, đặc biệt là từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng phức tạp.

Số liệu từ VASEP cho thấy, hiện giá cước vận tải ở nhiều tuyến đường biển đã lập kỷ lục mới cao hơn mức “đỉnh” của năm 2021. Cụ thể, giá cước đi Thái Lan (cảng Bangkok, Laem Chabang) dao động từ 1.600-2.500 USD/cont tùy hãng; giá cước đi Philippines (Davao, Cebu, General Santos) dao động 4.000-5.300 USD/container (cont); đi các cảng bờ Tây nước Mỹ dao động từ 12.000-14.000 USD/cont (tùy hãng); đi bờ Đông nước Mỹ như (Baltimore, Miami, New Orleans, Houston…) dao động ở mức cao từ 19.000-22.000 USD/cont, tùy hãng…

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), việc tăng cước vận tải biển lên gấp 3-4 lần trong thời gian vừa qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp ngành nhựa, làm giảm doanh số xuất khẩu.

Cùng với cước vận tải biển, chi phí thuê container cũng đang tiếp tục tăng cao. Ông Đặng Đình Long - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Mega A - chia sẻ: Giá cước container 3-4 tuần qua tăng liên tục, có tuần tăng tới 1.000 USD/container. Trong khi giá trị hàng hóa mỗi container chỉ khoảng 12.000-13.000 USD, tiền cước quá cao khiến giá thành hàng hóa khi đến tay đối tác lên tới 22.000-23.000 USD/container làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long),  giá cước vận chuyển liên tục “phi mã” đã dẫn đến tình trạng chi phí logistics nhiều khi còn cao tiền hàng trong container, đặc biệt là mặt hàng gạo. Nhiều khi doanh nghiệp xuất khẩu mà thua lỗ vẫn phải “nghiến răng” thực hiện vì đơn hàng đã ký rồi, giá cả đã chốt xong, không xuất đi không được.

Hương Anh (tổng hợp)