Đời sống

Hàng chục sinh vật lạ nhiều màu sắc dạt vào bãi biển sau đợt mưa lớn

Sau đợt mưa kỷ lục, hàng chục sinh vật kỳ lạ đầy màu sắc đã trôi dạt vào bãi biển Australia khiến các chuyên gia bối rối.

Mới đây, dư luận xôn xao khi hàng chục sinh vật hình thù kỳ dị trôi dạt vào các bãi biển ở Australia. Chúng có nhiều màu sắc nổi bật như cam, vàng, tím... nằm rải rác trên khắp các bãi biển phía bắc, Cronulla, Malabar và bờ biển miền Trung. Phần lớn ý kiến cho rằng đó là những con rồng biển mắc cạn.

Rồng biển có tên khoa học là Phyllopteryx taeniolatus hoặc Weedy Seadragon. Chúng thuộc họ nhà cá và thường được gọi là hải long hay cá rồng biển.

Cá rồng biển có những chấm đẹp mắt dọc theo cơ thể. Mỗi cá thể có những hoa văn dạng đốm độc đáo, không giống nhau. Những hoa văn đó được ví như dấu vân tay của con người.

Cá rồng biển thường sống ở các rạn san hô và sinh tồn ở độ sâu khoảng 3 - 50m. Đây là loài đặc hữu ở vùng biển ôn đới của Australia.

Cá rồng biển có họ hàng với cá ngựa (sea horse). Không chỉ có nhiều nét tương đồng về hình dáng, cá thể rồng biển đực cũng chịu trách nhiệm mang thai.

Với số lượng lớn hơn ít nhất 10 lần so với bình thường, lần xuất hiện này của những con rồng biển làm dấy lên lo ngại về sự bất thường đang diễn ra ở vùng biển Australia.

Betty Ratcliffe, một người đi biển, cho biết cô đã bắt gặp khoảng 7 con rồng biển trong vòng 1 tuần. "Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một con trên bờ biển có hình thù kỳ lạ, màu sắc rực rỡ, cam, vàng, tím. Trong vài ngày tiếp theo, tôi tìm thấy nhiều con hơn", Betty nói.

Betty cho biết cô đã đi dạo trên bờ biển Narrabeen suốt 4 năm qua vào mỗi bình minh nhưng chưa bao giờ nhìn thấy loài nào như vậy.

David Booth, giáo sư sinh vật biển tại Đại học công nghệ Sydney cho biết hơn 20 con rồng biển đã được tìm thấy trên các bãi biển ở Sydney trong 2 tuần qua. "Rõ ràng đó là kết quả của sự thay đổi thời tiết bất ngờ, các chất ô nhiễm trên biển và sóng lớn đưa những sinh vật có hình thù kỳ lạ dạt vào bờ", ông nói.

Theo chuyên gia, những con rồng biển nhỏ thường không đi lạc xa hơn 20-50m từ khu vực sống trong suốt cuộc đời. Chúng thường bám chặt vào tảo bẹ theo dòng chảy mạnh, những con trưởng thành có thể chỉ di chuyển 50-500m so với nơi chúng sinh ra.

Tuy nhiên, lần này rất nhiều sinh vật biển di chuyển xa khu vực sinh sống của chúng. Đây là điều hiếm thấy, có thể cảnh báo việc chúng đang bị mất môi trường sống.

Minh Hoa (t/h)