Thế giới

Hàn Quốc: Xuất khẩu ô tô cũ sang Nga tăng vọt

Nhiều người tiêu dùng buộc phải mua xe nhập khẩu đã qua sử dụng vì các hãng xe đã ngừng sản xuất trong bối cảnh xung đột giữa Nga – Ukraine ngày một leo thang.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), doanh số xuất khẩu xe ô tô cũ ra nước ngoài của Hàn Quốc đạt 573 triệu USD trong năm 2022, tăng 1.163,2% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng xe cũ xuất khẩu đạt 19.626 chiếc, tăng 732,3% so với cùng kỳ.

Hàn Quốc đã xuất khẩu tổng cộng 404.653 chiếc ô tô đã qua sử dụng ra nước ngoài vào năm ngoái, trong số đó, 4,9% được xuất khẩu sang Nga.

Năm 2022, giá trung bình của một chiếc ô tô đã qua sử dụng xuất khẩu sang Nga là 29.200 USD, cao gấp 4 lần so với giá trung bình của tất cả các loại ô tô xuất khẩu khác. Con số này là 19.200 USD vào năm 2021.

Nhiều nhà sản xuất ô tô toàn cầu đã ngừng kinh doanh ở Nga kể từ sau khi xung đột nổ ra. Tháng 3/2022, Hyundai Motor đã tạm dừng hoạt động của nhà máy lắp ráp tại Saint-Petersburg, nơi có công suất sản xuất hàng năm là 200.000 chiếc, bao gồm những mẫu sedan nổi tiếng như Solaris và SUV Creta.

Ngành công nghiệp ô tô của Nga, vốn phụ thuộc vào nhập khẩu, đã sụp đổ hoàn toàn sau khi nhiều hãng xe quyết định ngừng kinh doanh ở quốc gia này. Ảnh: NY Times

Ngoài ra, các hãng xe khác như Renault (Pháp), Toyota, Honda, (Nhật Bản), BMW, Mercedes-Benz và Ford (Đức) cũng đã đóng cửa hoạt động kinh doanh tại Nga.

Với việc nhiều nhà sản xuất ô tô đóng cửa các nhà máy ở Nga và một số bán toàn bộ hoạt động tại địa phương, nhiều người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mua xe đã qua sử dụng được nhập khẩu từ các thị trường nước ngoài.

“Kể từ khi các nhà sản xuất ô tô của Mỹ và châu Âu bị cấm xuất khẩu ô tô sang Nga vào quý II/2022, nhu cầu đã tập trung vào Hàn Quốc và Nhật Bản”, ông Shin Hyeon-do, giám đốc điều hành một công ty xuất khẩu ô tô đã qua sử dụng, cho biết.

Dữ liệu cho thấy 76% ô tô đã qua sử dụng được nhập khẩu vào Nga đến từ Nhật Bản, trong khi Belarus đứng ở vị trí thứ hai với 5,3% thị phần.

Nguyễn Tuyết (Theo Korea JoongAng Daily, drive.com.au)