Thế giới

Hàn Quốc tăng cường giám sát những tác động từ căng thẳng Nga-Ukraina

Chính phủ Hàn Quốc sẽ nhanh chóng thực hiện các biện pháp ổn định thị trường tài chính nếu cần, dựa trên các kế hoạch dự phòng để ứng phó với tình hình.

Vào ngày 22/2, quan chức hàng đầu của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết nước này sẽ theo dõi chặt chẽ căng thẳng leo thang ở Ukraina. Họ lo ngại rằng những căng thẳng tại đây có thể làm gia tăng sự biến động của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước.

Liên quan đến tình hình Nga - Ukraina, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/2 đã ra lệnh triển khai quân đội tới hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraina sau khi công nhận nền độc lập của hai vùng. Ông chủ Điện Kremlin cho biết trong bài phát biểu trên truyền hình: "Tôi tin rằng cần đưa một quyết định, mà đáng lẽ ra đã phải làm từ lâu. Đó là công nhận độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk". Điều này làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và Ukraina, giảm hy vọng về một giải pháp ngoại giao.

Các nhà hoạch định chính sách và nhà phân tích thị trường Hàn Quốc cho biết họ đang theo dõi sát sao đến những diễn biến xung quanh Ukraina. Một cuộc đụng độ quân sự có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế do nước này phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và các nguyên liệu thô khác từ khu vực.

Ông Hong Nam-ki, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc, cho biết Chính phủ sẽ nhanh chóng thực hiện các biện pháp ổn định thị trường tài chính nếu cần, dựa trên các kế hoạch dự phòng để ứng phó với tình hình.

Ông Hong nói: “Cuộc khủng hoảng Ukraina có dấu hiệu leo ​​thang thành một cuộc xung đột khu vực trong bối cảnh những rủi ro kinh tế trong và ngoài nước kéo dài, chẳng hạn như suy thoái kinh tế toàn cầu và sự thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ”.

Ông Lee Ju-yeol, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), cũng kêu gọi thận trọng trước các tác động kinh tế do căng thẳng tại Ukraina. Ông Lee nói: "Cần phải theo dõi chặt chẽ các diễn biến liên quan trong 24 giờ, các tác động đến thị trường tài chính và điều kiện kinh tế cả bên trong và ngoài nước".

Người dân đeo khẩu trang phòng ngừa Covid-19 khi mua hàng rau ở chợ Mangwon, Seoul, Hàn Quốc, vào ngày 9/2/2021. Ảnh: Bloomberg.

Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraina đã khiến chỉ số chứng khoán tiêu chuẩn giảm mạnh. Đồng nội tệ Hàn Quốc cũng giảm so với đồng USD. Hôm 22/2, KOSPI mất 37,01 điểm tương đương 1,35% xuống 2.706,79. Nội tệ Hàn Quốc đóng cửa ở mức 1.192,70 won so với USD, giảm 0,6 won so với mức đóng cửa phiên trước.

Bộ Thương mại Hàn Quốc đã đánh giá các tác động có thể có của cuộc khủng hoảng Ukraina đối với xuất khẩu nước này như chi phí năng lượng và chuỗi cung ứng. Theo Chính phủ, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nga và Ukraina lần lượt chỉ chiếm 1,5% và 1% tổng lượng hàng xuất đi, do đó cuộc khủng hoảng Ukraina có khả năng sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu nước này. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đã đảm bảo đủ nguồn cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô với các hợp đồng dài hạn, nên sẽ không có vấn đề gì trong việc đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng. 

Tuy nhiên, rủi ro địa chính trị gia tăng đối với Ukraina đã đẩy giá dầu tăng, vốn đã ở mức cao. Bởi Nga là một trong những quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Giá dầu thô Dubai nhập khẩu, được coi là chỉ số chuẩn về giá dầu tại Hàn Quốc, đã lên tới hơn 90 USD/thùng, tăng từ mức 77,12 USD vào cuối năm ngoái. Hàn Quốc phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu cho nhu cầu năng lượng của mình.

Tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), Tổng thống Moon Jae-in đã bày tỏ lo ngại rằng nếu Mỹ và các đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với Nga, điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á. Chi phí năng lượng tăng cao và đồng won suy yếu được cho là sẽ tiếp tục làm tăng các hóa đơn nhập khẩu của nước này, gây sức ép lên lạm phát tiêu dùng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Hàn Quốc trong tháng 1 vừa qua đã tăng 3,6% so vói cùng kỳ năm trước. Lạm phát đánh dấu mức tăng trên 3% trong tháng thứ 4 liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu do giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát hàng năm ở mức 2% trong trung hạn. 

Việc lạm phát tăng cao đang làm dấy lên những ý kiến cho rằng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc có thể tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay, sau khi các đợt tăng liên tiếp đã đưa lãi suất chuẩn của nước này lên mức trước đại dịch là 1,25% vào hồi tháng 1.

Phạm Hà Thanh (theo Yonhap, CNBC)