Thế giới

Hàn Quốc phạt Google 32 triệu USD vì chèn ép đối thủ

Trong khi nỗ lực củng cố sự thống trị của mình tại Hàn Quốc, Google đã làm tổn hại đến doanh thu và giá trị của một nền tảng nội địa mà họ coi là đối thủ đáng gờm.

Hàn Quốc đã phạt Google của Alphabet Inc. 42,1 tỷ won (32 triệu USD) vì đã sử dụng tầm ảnh hưởng của mình trên thị trường ứng dụng di động để loại bỏ đối thủ. Động thái này diễn ra trong bối cảnh quốc gia châu Á tăng cường giám sát nỗ lực mở rộng phạm vi toàn cầu của gã khổng lồ phần mềm.

Google đã cố gắng ngăn chặn sự phát triển kinh doanh của nền tảng nội địa Hàn Quốc One Store, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (KFTC) cho biết trong một tuyên bố gửi qua email hôm 11/4.

Google bị cáo buộc đã yêu cầu các công ty trò chơi lớn của Hàn Quốc như NCSoft và Netmarble, cũng như các công ty nhỏ hơn và cả công ty Trung Quốc phát hành độc quyền trò chơi mới của họ trên Play Store của Google. Đổi lại, công ty công nghệ Mỹ sẽ quảng cáo cho các trò chơi này và cung cấp hỗ trợ thêm ở nước ngoài.

Theo KFTC, quảng cáo của Google đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của các công ty trò chơi Hàn Quốc tại thị trường nước ngoài, nơi các trò chơi này ít được biết đến.

One Store là nền tảng do SK Telecom, LG Uplus và một số công ty khác phát triển. Ảnh: Yonhap News

KFTC cho biết, hành động của Google bắt đầu vào tháng 6/2016, khi One Store ra mắt ở Hàn Quốc, và kéo dài đến tháng 4/2018, khi cơ quan giám sát vào cuộc điều tra.

Google đã cản trở khả năng thu hút các trò chơi mới của One Store, dẫn đến doanh số bán hàng của nền tảng này chỉ ở mức khiêm tốn. Trong khi đó, Google kiếm được khoảng 1,8 nghìn tỷ won doanh thu thông qua hoạt động này, theo ước tính của KFTC.

“Ý định của Google là loại trừ One Store khỏi thị trường vì đây được coi là đối thủ đáng gờm của họ”, theo ông Yu Seong Wook, tổng giám đốc đơn vị chống độc quyền của KFTC.

Cơ quan giám sát Hàn Quốc đã tiết lộ các biên bản cuộc họp, tài liệu và e-mail nội bộ được trao đổi giữa các nhân viên của Google, cũng như giữa Google với các công ty trò chơi để cho thấy rằng gã khổng lồ phần mềm coi sự gia nhập của One Store là mối đe dọa đối với doanh số bán hàng của mình tại Hàn Quốc và tiến hành chiến lược đóng cửa đối thủ này trong âm thầm.

FTC cũng khẳng định Google hoàn toàn ý thức được rằng hành động của họ là phản cạnh tranh. “Điều này có thể gây ra nguy cơ phản cạnh tranh hoặc các vấn đề liên quan đến chính phủ”, biên bản một cuộc họp của Google Hàn Quốc khẳng định. Một email nội bộ của Google cũng yêu cầu nhân viên xóa các email hứa hẹn giới thiệu trò chơi trên trang đầu để đổi lấy quan hệ đối tác độc quyền.

Google bác bỏ các cáo buộc của KFTC, khẳng định công ty này không ngăn cản các ứng dụng khác cạnh tranh với mình. “Chúng tôi hướng người dùng đến các ứng dụng từ Play Store của mình vì đó là nơi có khả năng giám sát và bảo mật tốt nhất”, Google cho biết.

Cơ quan quản lý Hàn Quốc đã yêu cầu Google LLC, Google Hàn Quốc và Google châu Á - Thái Bình Dương ngừng cung cấp hỗ trợ cho các công ty trò chơi di động để đổi lấy sự độc quyền. Họ cũng yêu cầu 3 đơn vị trên của Google khởi chạy một hệ thống giám sát nội bộ và báo cáo cho KFTC để theo dõi.

 

One Store là một nền tảng nội địa được tạo bởi 3 công ty viễn thông của Hàn Quốc là SK Telecom, KT và LG Uplus và công ty internet Naver. One Store đang chuẩn bị chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) và với mức định giá mục tiêu 833 USD triệu, theo ông Hyun-Joon Hwang, nhà phân tích tại DB Financial Investment.

Hơn 90% doanh thu của cả Play Store và One Store tại Hàn Quốc đều đến từ việc bán trò chơi, KFTC cho biết. Google nắm giữ khoảng 80-95% thị phần trong thị trường ứng dụng Android dành cho thiết bị di động ở Hàn Quốc từ năm 2014 đến 2019.

Đây không phải là lần đầu tiên Google bị phạt vì hành vi cạnh tranh không lành mạnh tại Hàn Quốc. Năm 2021, Hàn Quốc đã phạt Google gần 180 triệu USD vì lạm dụng vị trí thống trị của mình trong các hệ điều hành di động và kho ứng dụng, cản trở sự cạnh tranh trên thị trường.

Năm 2022, Google cũng bị Ủy ban bảo vệ thông tin cá nhân Hàn Quốc (PIPC) cho biết phạt gần 50 triệu USD vì bí mật thu thập thông tin cá nhân của người dùng mà không được sự đồng ý của họ.

Nguyễn Tuyến (nguồn Bloomberg, Reuters)