Dân sinh

Hạn hán kéo dài, mực nước hồ Kẻ Gỗ xuống thấp

Hạn hán kéo dài khiến mực nước hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) rút xuống rất thấp.

Hồ chứa nước Kẻ Gỗ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh được xây dựng từ năm 1976 với sức chứa 345 triệu m3 nước. Đây là công trình thủy lợi đa mục tiêu, phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP.Hà Tĩnh. Ngoài ra, hồ Kẻ Gỗ còn cung cấp nước sinh hoạt nông thôn cho người dân dẫn qua Nhà máy nước Bắc Hà Tĩnh.

Hồ Kẻ Gỗ cạn nước. 

Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến mực nước hồ Kẻ Gỗ rút mạnh, nhiều vị trí cạn trơ đáy.

Ghi nhận vào ngày 27/8, mực nước hồ Kẻ Gỗ xuống thấp, người dân còn có thể đi bộ dưới lòng hồ Kẻ Gỗ. Anh Phong, một người dân ở gần hồ Kẻ Gỗ cho hay, đây là hiện tượng hiếm gặp.

Nước rút cạn, chân cầu lộ cồn đất.

Tại khu vực đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, thường ngày, mực nước hồ lên cao, thuyền đánh cá của người dân dễ dàng đi qua chân cầu. Nay, nước rút cạn, lộ 2 cồn đất lớn, khiến thuyền không thể đi.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết, đây không phải lần đầu tiên nước hồ Kẻ Gỗ xuống thấp như vậy. Nhiều năm trước, xảy ra nắng hạn, nước hồ Kẻ Gỗ có thời điểm cũng xuống rất thấp. Hiện nay, hồ Kẻ Gỗ đã đóng cống tưới, nước phục vụ sản xuất vụ hè thu cho bà con đã đủ. 

Người dân địa phương cho hay, rất hiếm khi nước hồ Kẻ Gỗ rút nhanh như vậy.

“Mực nước hồ Kẻ Gỗ hiện còn 44 triệu m3, trong khi mực nước chết của hồ là 22 triệu m3. Như vậy, hồ Kẻ Gỗ vẫn còn 22 triệu m3 nước để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu diễn biến hạn hán vẫn tiếp tục gay gắt, đến hết tháng 8, tháng 9 không có mưa thì cần phải có các giải pháp khác”, ông Thịnh nói.

Đất giữa lòng hồ nứt nẻ...

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, nếu xảy ra tình trạng hạn hán kéo dài, trường hợp nước hồ Kẻ Gỗ không đủ cấp thì sẽ dẫn nước từ hồ Bộc Nguyên sang để đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân.

...cá chết khô…

Người dân có thể đi bộ giữa lòng hồ.

Nước rút sâu, thuyền đánh cá của người dân khó khăn di chuyển, tấp bờ “chờ” nước.