TV Show

Hai võ tướng duy nhất trong thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu

Trong thời kỳ Tam quốc, võ tướng nhiều vô kể nhưng chỉ có duy nhất Quan Vũ và Triệu Vân là được thờ ở Đế vương miếu.

Thông qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung, độc giả được biết đến một trong những thời kỳ hỗn loạn của lịch sử Trung Quốc đó là thời Tam quốc. Một cách chính xác theo khoa học thì nó bắt đầu vào năm 220 khi nhà Ngụy được thành lập và kết thúc năm 280 khi Đông Ngô sụp đổ và nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hoa. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học Trung Quốc cũng như nhiều người dân khác cho rằng thời kỳ này bắt đầu năm 190 khi liên minh chống Đổng Trác được thành lập cuối thời nhà Đông Hán.

Tam quốc được coi là thời đại quần hùng tranh bá, nhưng cũng là giai đoạn chiến tranh liên miên.

Trước đó, phần "không chính thức" của giai đoạn này, từ năm 190 đến năm 220, được đánh dấu bởi sự hỗn loạn của các cuộc giao tranh giữa các phe phái trong rất nhiều khu vực của Trung Hoa, như các cuộc giao tranh của Tào Tháo, anh em Viên Thiệu - Viên Thuật, Tôn Kiên, Lưu Biểu, Lưu Bị, Đổng Trác, Lã Bố…

Phần giữa của giai đoạn này, từ năm 220 đến năm 263, được đánh dấu bằng sự giao tranh quân sự và ngoại giao của 3 quốc gia còn lại là Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô.

Phần cuối cùng của thời kỳ này được đánh dấu bằng việc Ngụy tiêu diệt Thục (năm 263), nhà Tây Tấn thay thế Ngụy năm 266, và Tấn tiêu diệt Ngô (280).

Về 3 nước Tam quốc, có một số sử gia gộp chung nhà Thục Hán vào nhà Hán, họ coi triều đình này là giai đoạn cuối của Nhà Hán vì Hoàng đế Thục Hán Lưu Bị thuộc dòng dõi hoàng tộc. Hai nước còn lại thời Tam quốc là Đông Ngô và Tào Ngụy.

Kể từ thời nhà Đường, nhà Thục Hán được sử sách Trung Quốc coi là sự nối tiếp của nhà Hán, là triều đại chính thống trong số 3 triều đại của thời Tam quốc, do vậy Lưu Bị là hoàng đế duy nhất trong thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu, ngôi miếu do nhà Minh, nhà Thanh xây dựng để thờ phụng các đời vua chính thống của Trung Hoa (các hoàng đế của Tào Ngụy, Đông Ngô không được thờ).

Lưu Bị là hoàng đế duy nhất trong thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu.

Ngoài ra, trong Đế vương miếu còn thờ những vị quan văn, võ được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại. Trong đó, Quan Vũ và Triệu Vân là 2 vị võ tướng duy nhất trong thời Tam quốc được thờ tại đây. Đặc biệt Quan Vũ còn là vị võ tướng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc có 1 điện thờ riêng tại Đế vương miếu.

Cả Quan Vũ và Triệu Vân đều là những vị tướng anh dũng, phục vụ dưới trướng vị hoàng đế đầu tiên của Thục Hán là Lưu Bị.

Quan Vũ.

Quan Vũ (? - 220), tự Vân Trường, quê ở Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, miền bắc của Trung Quốc ngày nay. Tam quốc diễn nghĩa mô tả Quan Vũ cao chín thước, mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, oai phong lẫm liệt, là vị dũng tướng tiếng tăm lừng lẫy cuối thời Đông Hán. Từ trẻ theo phò trợ Lưu Bị, một lòng trung thành, xả thân vì chúa, ông cũng là vị dũng tướng mà Lưu Bị hết lòng tin cậy, phong làm Tiền tướng quân.

Triệu Vân.

Triệu Vân (? - 229), tự là Tử Long, người huyện Chính Định Nam, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay. Thuở nhỏ theo Công Tôn Toản, sau về phò trợ cho Lưu Bị. Ông có ngoại hình hùng dũng, uy phong lẫm liệt, giỏi võ nghệ và có tài thao lược, được đánh giá là bậc hổ tướng trí dũng song toàn.

Tam quốc diễn nghĩa có ghi rằng: "Triệu Vân cao tám thước, mắt rồng, mày rậm, má bầu, mặt rộng, sống mũi diều hâu, lưng sói, tay vượn, bụng beo, cưỡi Bạch Long mã, uy phong lẫm liệt”.

Quốc Tiệp (t/h)