Tài chính - Ngân hàng

Hai thái cực ứng xử với tiền ảo nhìn từ các nước phát triển

Việt Nam cần sớm có khung pháp lý quản lý tiền kỹ thuật số (tiền mã hóa, tiền ảo), do đó kinh nghiệm và đề xuất từ các nước phát triển sẽ vô cùng cần thiết.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, trong đó giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và đề xuất chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng quy định về định danh và xác thực điện tử. Đây là một bước đi quan trọng trong bối cảnh tiền kỹ thuật số cùng thị trường giao dịch loại tiền này đang phát triển mạnh mẽ, dẫn đến yêu cầu cần quản lý lĩnh vực này.

Tiền kỹ thuật số, hay còn được gọi là tiền mã hóa (cryptocurrency, crypto) hoặc thông dụng hơn là tiền ảo, là một phương tiện trung gian trao đổi kỹ thuật số.

Tuy nhiên, khác với tiền định danh được ngân hàng trung ương và các định chế tài chính kiểm soát và điều chỉnh, các loại tiền kỹ thuật số được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu sử dụng công nghệ mã hóa mạnh, hay còn gọi là ledger (sổ cái).

Tiền kỹ thuật số sẽ sử dụng cơ sở dữ liệu này để kiểm soát việc tạo thêm tiền, lưu trữ thông tin giao dịch và xác nhận thông tin sở hữu tiền.

Các loại tiền kỹ thuật số phổ biến hiện nay thường mang tính phân quyền so với tính tập trung của tiền tệ thông thường hoặc tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành.

Cơ sở dữ liệu chung sử dụng năng lực tính toán của máy tính để giải một thuật toán nhất định và tạo ra một đơn vị tiền mới với tốc độ được ấn định sẵn, khác với việc ngân hàng trung ương phát hành tiền dựa trên chính sách tiền tệ. Do đó, tiền kỹ thuật số đã được một số người tiên phong hy vọng trở thành giải pháp thanh toán song song có thể thoát khỏi giới hạn của tiền tệ thông thường.

Sự tăng trưởng chóng mặt của thị trường khai thác và giao dịch tiền kỹ thuật số đã dẫn đến việc chính phủ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải xem xét chính sách quản lý loại tiền này. Tuy nhiên, cách tiếp cận và hành động cụ thể ở các quốc gia phát triển lại có khác biệt nhất định, có lúc lại nằm ở 2 thái cực đối lập. 

Trung Quốc: Cấm đoán hoàn toàn 

Tại Trung Quốc, tiền kỹ thuật số mà tiêu biểu là Bitcoin không được chính phủ nhìn nhận với thái độ tích cực. Cụ thể hơn, giới quản lý nước này cho rằng tiền kỹ thuật số tiềm ẩn rủi ro cao đối với hệ thống và trật tự tài chính, thậm chí đến an ninh quốc gia. Do đó, Trung Quốc đã dần siết chặt hệ thống quy định quản lý của mình đối với tiền kỹ thuật số.

Từ năm 2017, các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số tại Trung Quốc đã không được phép quy đổi tiền kỹ thuật số và tiền định danh, mua bán tiền kỹ thuật số và cung cấp dịch vụ định giá hay trung gian về thông tin tiền kỹ thuật số. Điều này có nghĩa là các sàn giao dịch tiền này gần như không thể hoạt động tại Trung Quốc. Dù vậy, vào thời điểm đó người Trung Quốc vẫn có thể sở hữu và giao dịch tiền kỹ thuật số và hoạt động đào tiền kỹ thuật số vẫn được cho phép.

Nhân viên làm việc tại một cơ sở đào bitcoin ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: Liu Xingzhe/EPA/CHINAFILE

Tuy nhiên, chính sách trấn áp tiền kỹ thuật số của Trung Quốc đã hướng thẳng đến mục tiêu cấm tiền kỹ thuật số trong nước trong năm 2021. Kể từ tháng 5 vừa qua, toàn bộ các tổ chức tài chính bị cấm cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số.

Sau đó, vào giữa đến cuối tháng 9, chính quyền địa phương Trung Quốc đã tăng cường trấn áp và truy quét hoạt động đào tiền kỹ thuật số, cụ thể là Bitcoin. Cuối cùng, vào ngày 24/9, các bộ và cơ quan liên quan đã cấm hoàn toàn việc đào và giao dịch tiền kỹ thuật số tại Trung Quốc. 

Mỹ: Cho phép và quản lý 

Sau khi Trung Quốc cấm hoàn toàn hoạt động đào và giao dịch Bitcoin, Mỹ đã trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về đào loại tiền kỹ thuật số này. Điều này không gây ngạc nhiên đối với những người quen với thái độ quản lý tiền kỹ thuật số của Mỹ, vốn cho phép và đang tích hợp thị trường này vào hệ thống quản lý tài chính truyền thống. Tuy nhiên, chưa thể nói rằng Mỹ có một khung pháp lý thống nhất về quản lý tiền kỹ thuật số.

Vào năm 2014, Sở Thuế vụ Liên bang Mỹ (IRS) đã quy định rằng Bitcoin sẽ được xem như một loại tài sản chịu thuế lãi vốn, giống như chứng khoán hay bất động sản. Trong khi đó, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC) lại xem tiền kỹ thuật số là một loại chứng khoán, còn Bộ Tài chính Mỹ lại xem đây lại là một loại “tiền ảo phi tập trung”. 

Bên trong một cơ sở đào Bitcoin của Whinstone tại Rockdale, Texas. Ảnh: Washington Post

Các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số tại Mỹ nằm trong phạm vi quản lý của Đạo luật Bí mật Ngân hàng (BSA) và phải đăng ký với Mạng lưới Thực thi luật pháp về Tội phạm Tài chính (FinCEN). Thêm vào đó, sàn giao dịch cũng phải chấp hành những nghĩa vụ chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố bên cạnh các quy định thông dụng đối với các định chế tài chính. 

Gần đây, giới quản lý Mỹ đã có một số động thái nhất định trong việc ngăn chặn hành vi tội phạm sử dụng tiền kỹ thuật số. Cụ thể, Bộ Tư pháp Mỹ đã thành lập một đơn vị riêng mang tên Đội Thi hành luật Tiền mã hóa Quốc gia (NCET) nhằm điều tra tội phạm trong giao dịch và trộn tiền kỹ thuật số - một phương thức được sử dụng để che giấu nguồn gốc giao dịch tiền.

Quan điểm từ giới quản lý tài chính quốc tế

Mới đây, Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) - một tổ chức liên chính phủ với 39 thành viên - đã cập nhật bản hướng dẫn của mình về chính sách quản lý thị trường tiền kỹ thuật số. Tuy không có tính ràng buộc về pháp luật, bản hướng dẫn này có sức ảnh hưởng đáng kể trong việc định hình chính sách về tiền kỹ thuật số của các quốc gia, nhất là khi thành viên của FATF chủ yếu là các quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Trong bản hướng dẫn cập nhật, FATF đã sử dụng cách tiếp cận dựa trên giảm thiểu rủi ro và kêu gọi các chính phủ mở rộng khung quản lý thị trường và các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số. Theo Wall Street Journal, một trong những mục tiêu của FATF là tài chính phân quyền - một hình thức tài chính không dựa vào các bên trung gian như sàn giao dịch, môi giới hay ngân hàng.

FATF vừa cập nhật đề xuất quản lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo của mình.

FATF nhắm vào các sàn phân quyền trong đó người tham gia có thể giao dịch ẩn danh và cho rằng cá nhân hoặc công ty sở hữu nền tảng như vậy có thể được coi là nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) và do đó có nghĩa vụ kiểm tra danh tính người dùng cũng như có biện pháp chống rửa tiền. 

Bên cạnh đó, FATF cũng yêu cầu chặt hơn đề xuất VASP phải theo dõi và chia sẻ thông tin khi người dùng chuyển tiền kỹ thuật số mình sở hữu, ví dụ từ sàn giao dịch này sang sàn giao dịch khác. Theo đó, các công ty vận hành sàn giao dịch cần kiểm tra xem cả người gửi lẫn người nhận tiền kỹ thuật số có đang bị luật pháp cấm hoặc hạn chế hành động như vậy hay không

 

Tại Việt Nam, hiện nay, việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng các loại tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.