Dân sinh

Hải Phòng: Vùng trồng “táo muối” Bàng La vào vụ Tết

Vụ táo Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, vùng táo Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng được mùa, dự kiến sẽ đem lại khoản thu khoảng 50 tỷ đồng.

Tại phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, nhiều ao đầm nuôi trồng thủy sản hiệu quả kinh tế thấp, đa phần các ruộng muối mặn chắt vị mồ hôi của diêm dân, giờ được thay thế bằng những vườn táo bạt ngàn. Táo trồng trên đất chua mặn mặc dù thơm ngon, nhưng vẫn được người dân địa phương gọi là “táo muối”. Đây là cách họ nhắc nhở bản thân và con cháu không được quên những khó khăn, vất vả khi xưa.

Một sào “táo muối” bằng cả mẫu lúa

Chiều muộn 23/12, tranh thủ trước lúc màn đêm buông xuống, anh Nguyễn Đắc Hồng, ở Tổ dân phố Đồng Tiến 2, phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, tưới nước cho những gốc táo san sát trong khu vườn rộng gần 5.000 m2 cạnh nhà. Vừa thoăt thoắn đôi tay gân guốc sạm đen vì quanh năm phơi nắng, anh Hồng vừa trao đổi với chúng tôi về “cứu cánh” giúp cả nghìn hộ dân địa phương có được cuộc sống no ấm, đề huề.

Theo lời anh Hồng, do đất canh tác và nước bị nhiễm mặn, nên hầu hết các hộ dân ở xã Bàng La thuộc huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng (sau này được sáp nhập vào quận Đồ Sơn) theo nghề làm muối hay nuôi trồng thủy sản thay vì cấy lúa như các xã khác trong huyện Kiến Thụy. Mặc dù chịu thương, chịu khó, nhưng may mắn lắm mới đủ ăn vì giá muối rẻ mạt trong khi nuôi trồng thủy sản như “đánh bạc với giời” khi 1 vụ thắng, nhưng có khi tới 2 - 3 vụ sau liên tiếp thất bại.

Anh Nguyễn Đắc Hồng, ở Tổ dân phố Đồng Tiến 2, phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng khoe những quả "táo muối" thơm ngon mới hái (Ảnh: Thái Phan).

Khoảng 15 năm trước, nhiều người, nhất là lớp thanh niên ở Bàng La, đã “đoạn tuyệt” với nghề làm muối, nuôi trồng thủy sản để đi làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài quận Đồ Sơn. Tuy nhiên, không ít hộ quyết không “đầu hàng” mà lấp ao, lấp ruộng muối để trồng cà chua, sau này trồng táo vì 2 loại cây trồng này thích hợp với đất chua mặn và thời tiết, khí hậu vùng ven biển.

Cây cà chua đã đem đến sức sống mới cho đồng đất Bàng La. Tuy nhiên, phải đến khi táo phủ xanh khắp vườn nhà, lan ra các ruộng muối, tràn về cả khu vực cánh đồng bên trong tuyến đê biển quốc gia trên địa bàn phường Bàng La, thì cuộc sống của người dân nơi đây mới thực sự thay đổi.

Bởi cây “táo muối” không những thích hợp với đồng đất chua mặn, mà còn cho quả có vị giòn, ngọt, thơm ngon đặc trưng. Những năm gần đây, “táo muối” trở thành sản vật nổi tiếng của Đồ Sơn được ưa chuộng, nhất là dùng biếu tặng, mời khách dịp Tết Nguyên đán.

“Trên diện tích mỗi sào, chúng tôi trồng 15 - 17 cây táo. Chính vụ táo từ đầu tháng 11 âm lịch kéo dài đến hết năm, một cây cho thu chừng 30 - 40 kg quả. Với giá bán trung bình 20.000 - 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi cây cho thu lãi gần 1 triệu đồng. Tính ra, trồng 1 sào táo đem lại thu nhập gần bằng mẫu lúa”, anh Nguyễn Đắc Hồng phấn khởi chia sẻ.

Những quả táo ngon ngọt trên những ruộng muối xưa mặn chát vị mồ hôi của diêm dân phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thành Kiên - Chủ tịch UBND phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, cho biết, khoảng 3 năm nay, diện tích trồng táo của địa phương cơ bản giữ nguyên ở mức “đỉnh” hơn 120 ha. Bởi hầu hết diện tích đất canh tác phù hợp, người dân đã chuyển sang trồng “táo muối”. Hiện cả phường có hơn 2.500 hộ, thì có tới hơn 1.000 hộ trồng táo.

Vụ táo Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, “táo muối” Bàng La được mùa, ước thu khoảng 3.000 tấn. Với giá bán hiện tại thấp nhất 10.000 đồng/kg, dự kiến cao nhất hơn 30.000 đồng/kg (thời điểm giáp Tết), cây táo đem lại khoản thu cho người dân trong phường khoảng 50 tỷ đồng, xếp thứ nhất trong các loại cây trồng. Vị trí “á quân” thuộc về cây cà chua với khoản thu hơn 10 tỷ đồng.

Trăn trở tìm đầu ra ổn định cho “táo muối”

Trò chuyện với Người Đưa Tin về đầu ra cho quả “táo muối” của địa phương, ông Bùi Duy Dũng - Bí thư Đảng ủy phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, cũng là ông chủ của 2 vườn “táo muối” rộng hơn 1 ha, cho biết, từ trước đến nay, kênh tiêu thụ chủ yếu của quả táo ở địa phương là thương lái đến tận vườn thu mua và người trồng táo đưa đi bán tại chợ, giao cho các cửa hàng nông sản ở khu vực nội đô Tp.Hải Phòng.

Do không tự chủ được đầu ra, nhất là không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nên giá táo lên xuống thất thường. Khi mất mùa hay thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, nhu cầu của thị trường cao, có thể lên tới 35.000 - 40.000 đồng/kg. Những năm được mùa hay thời điểm táo chín rộ, thương lái ép giá, có khi chỉ còn 10.000 - 12.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Đắc Hồng, ở Tổ dân phố Đồng Tiến 2, phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng tưới nước cho vườn táo để quả thêm ngon ngọt (Ảnh: Thái Phan).

“Vài năm trở lại đây, ngoài bán cho thương lái và đưa đi bán, chúng tôi nhờ con cháu đăng bán trên một số mạng xã hội, như Zalo, Facebook. Khoảng hơn 1 tháng nay, nhờ kênh tiêu thụ này, gia đình tôi bán được hơn 5 tạ táo với mức giá gấp đôi so với bán cho thương lái tại vườn. Tuy nhiên, chẳng bõ bèn gì so với vườn táo rộng hơn 1,3 mẫu của gia đình. Người trồng táo chúng tôi muốn có doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu đầu ra với giá ổn định để yên tâm trồng, chăm sóc để táo ngon ngọt”, anh Nguyễn Đắc Hồng, ở Tổ dân phố Đồng Tiến 2, phường Bàng La, chia sẻ.

Về vấn đề này, ông Bùi Duy Dũng - Bí thư Đảng ủy phường Bàng La, thông tin, giữa năm 2023, một số hộ trồng táo ở phường đã chung vốn thành lập Công ty Cổ phần Sức Sống Xanh. Vụ này, Công ty nhận bao tiêu sản phẩm của hơn 1 ha táo với mức giá ổn định 30.000 đồng/kg (đối với loại táo đã được lựa chọn cẩn thận bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm). Dự kiến vụ táo năm tới, Công ty sẽ tăng diện tích bao tiêu sản phẩm cho người dân địa phương.

Ngoài ra, trên cơ sở tham khảo và xin ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan của Tp.Hải Phòng và quận Đồ Sơn, hiện Đảng ủy phường Bàng La đang xem xét xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với nghề trồng táo. Qua đó, không chỉ tạo thêm thu nhập cho các hộ trồng táo thông qua làm dịch vụ du lịch, mà còn tăng danh tiếng cho “táo muối” Bàng La để thu hút hơn nữa các doanh nghiệp, đơn vị về tìm hiểu đặt mua dài hạn hay ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Những vườn "táo muối" bạt ngàn ở phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng trong vụ thu hoạch dịp giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (Ảnh: Thái Phan).

“Mặc dù chưa quảng cáo, mời chào, nhưng đến vụ táo, có khá nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài Tp.Hải Phòng tìm đến các vườn táo của địa phương để tham quan, thưởng thức táo và đặt mua đem về làm quà biếu người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Riêng ngày 23/12, đã có tới 4 đoàn khách từ Hà Nội tìm đến vườn táo của gia đình tôi. Họ tự tìm đến bởi có du khách đã từng tham quan cho địa chỉ”, ông Bùi Duy Dũng chia sẻ.

Chúng tôi rời Bàng La lúc đã tắt nắng. Trên đường về, nhìn qua cửa sổ của những ngôi nhà khang trang, rộng rãi được xây dựng nhờ tiền bán “táo muối”, thấy thấp thoáng những gương mặt rạng ngời cùng tiếng cười nói vui vẻ về vụ táo Tết được mùa, được giá. Họ vững một niềm tin, rằng, cây táo khi bén rễ, cắm sâu trên đồng đất vốn chua mặn, hết năm này đến năm khác, sẽ cho những vụ táo bội thu để đền đáp công ơn người vun trồng.