Dân sinh

Hải Phòng tiêu hủy hơn 6.000 con lợn, dịch tả lợn châu Phi lan ra 17 tỉnh

Là địa phương thứ 3 xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi, đến nay Hải Phòng đã phải tiêu hủy hơn 6.000 con lợn nhiễm bệnh.

Theo báo Giao Thông, ngày 15/3, UBND TP Hải Phòng họp bàn biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo, tại Hải Phòng hiện tổng đàn lợn là 412.058 con. Dịch bệnh phát sinh từ ngày 22/2 tại thôn 12, xã Chính Mỹ, Thủy Nguyên đến ngày 14/3 đã lan rộng ra 409 hộ, ở 104 thôn, thuộc 37 xã, phường, trên địa bàn 6 quận, huyện.

Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy là 6.050 con, trọng lượng 331.671 kg. Riêng ngày 14/3, dịch phát sinh thêm tại 37 hộ, ở 22 thôn, thuộc 9 xã trên địa bàn 2 huyện Thủy Nguyên và Tiên Lãng. Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy là 583 con, trọng lượng trên 41.390 kg.

Hàng loạt lợn ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) chết do mắc dịch tả lợn châu Phi

Theo thống kê, nhân định của cơ quan chức năng, DTLCP chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh kém. Cụ thể, qua điều tra dịch tễ, 40% số hộ phát sinh dịch bệnh tại các địa phương có sử dụng thức ăn thừa của các nhà hàng, bếp ăn tập thể để chăn nuôi lợn.

Trước đó, báo VnExpress thông tin, sau Hưng Yên và Thái Bình, Hải Phòng là địa phương thứ 3 trên cả nước phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi vào ngày 22/2/2019.

Theo đó ngày 19/2, Cục Thú y thông báo phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. tại Hưng Yên có 2 ổ dịch với hơn 130 con lợn. Tại Thái Bình, có một ổ dịch với 123 con lợn. Toàn bộ số lợn mắc bệnh đã được tiêu hủy; chính quyền địa phương lập các chốt chặn vận chuyển, buôn bán lợn sống, sản phẩm thịt lợn, khử trùng môi trường khu vực chăn nuôi, chợ dân sinh.

Tổng kết tình hình dịch bệnh này ở Việt Nam, tờ Tuổi Trẻ cho hay, đến ngày 14/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 23.442 con.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – ông Nguyễn Xuân Cường, mặc dù thực hiện khá đồng bộ và chủ động các nhóm giải pháp, nhưng điều đáng tiếc là dịch bệnh vẫn xảy ra tại 17 tỉnh thành với tổn thất được thống kê như trên. Với tình hình như vậy, ông Cường nhận định nếu không quyết liệt thì thời gian tới có nguy cơ dịch sẽ lan ra 3 khu vực trọng điểm cực kỳ nguy hiểm.

Thứ nhất là các tỉnh đồng bằng sông Hồng, vùng này không tổ chức phòng chống dịch tốt thì sẽ lan sang các địa phương chưa bị. Nguy cơ rất cao, bây giờ mới 23.000 con, nếu không giữ được sẽ lan ra hầu hết địa bàn đồng bằng sông Hồng.

Khu vực thứ hai là miền núi phía Bắc, đây là vùng có địa hình phức tạp, tồn dư lâu, âm ỉ, kéo dài thời gian.

Khu vực thứ ba là các tỉnh phía Nam, nếu không giữ được thì vô cùng nguy hiểm. "Vùng này sông nước như thế, giao thương như thế, nếu xảy ra là mất tất, một số tỉnh trọng điểm chiếm 10% tỉ trọng ngành chăn nuôi heo, rất nguy hiểm nếu để dịch lây lan nên chúng ta phải ý thức rất rõ để phòng chống”.

“Nếu đúng như tình hình dự báo 3 vùng trọng điểm này bị dịch thì thiệt hại vô cùng lớn, đe dọa một thời gian dài mới khôi phục được ngành chăn nuôi heo" - ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỷ lệ chết cao, lên đến 100%.

Thống kê của OIE, tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng đã có hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.

H.Y (tổng hợp)