Văn hoá

Hải Phòng: Khu di tích Đền thờ Trạng Trình đón 1,1 triệu lượt du khách

Khu di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở huyện Vĩnh Bảo đón gần 1,1 triệu lượt du khách trong số hơn 6,2 triệu lượt đến Hải Phòng 9 tháng qua.

Chiều 6/10, ông Nguyễn Văn Tái - Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Khu di tích Đền Trạng) ở xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, thông tin, số lượng du khách đến khu di tích từ đầu năm đến nay tăng mạnh.

Trong 9 tháng qua, Khu di tích Đền Trạng đón gần 1,1 triệu lượt khách du lịch, bằng hơn 90% kế hoạch năm 2023 (đón 1,2 triệu lượt du khách). Trong đó, đông nhất là các dịp: Tết Nguyên đán 2023, nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Đền chính thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng.

Từ nay đến cuối năm, với một số sự kiện thu hút đông khách du lịch, như cầu truyền hình trực tiếp chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia sáng 8/10, lễ biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu của huyện Vĩnh Bảo và Tp.Hải Phòng dự kiến diễn ra trong tháng 11/2023, Khu di tích Đền Trạng ước đón thêm 300.000 lượt du khách, vượt mục tiêu đề ra.

Trong thời phong kiến, Tp.Hải Phòng có 3 vị trạng nguyên: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Tất Văn, Lê Ích Mộc. Trong đó, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng.

Năm 45 tuổi ông mới dự thi. Liên tiếp 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu, giành học vị cao nhất - Trạng Nguyên. Sau đó, ông giữ chức Hiệu thư ở Viện Hàn Lâm rồi chuyển sang chức Đại học sĩ Tòa Đông Các, sau thăng Tả thị lang Bộ Hình rồi Tả thị lang Bộ Lại, tước Trình Quốc Công.

Khách du lịch, chủ yếu là học sinh, sinh viên, thăm quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chiều 6/10.

Làm quan được 8 năm, triều Mạc bất ổn, Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm dâng sớ vạch tội 18 lộng thần, nhưng không được vua chấp thuận. Mùa thu năm Nhâm Dần (1542), ông từ quan về quê dựng Am Bạch Vân mở trường dạy học. Sau khi qua đời năm 1585, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại rất nhiều tác phẩm thơ ca đặc sắc, đặc biệt là những lời tiên tri ứng nghiệm- còn được gọi là “sấm Trạng”.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận xếp hạng Khu di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2019, Lễ hội Đền thờ Trạng Trình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tháng 8/2023, tại Quyết định số 2195, UBND Tp.Hải Phòng thành lập Ban vận vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân dịp kỷ niệm 450 năm ngày mất của ông (1585 - 2035).