Văn hoá

Hải Phòng: Để tiếng thơm “Thánh thuốc Nam” lưu truyền muôn đời

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người dân địa phương và du khách có điểm đến tri ân, tưởng nhớ “Thánh thuốc Nam” Đào Công Chính ở huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng.

Gần 15 tỷ đồng xây dựng Nhà lưu niệm Danh y Đào Công Chính

Chúng tôi về thăm quê hương Danh y Đào Công Chính ở làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, dịp giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Bên ấm chè nóng giữa thời tiết giá lạnh, câu chuyện với ông Đào Xuân Luân - Chủ tịch UBND xã Cao Minh, về người con ưu tú của quê hương Hội Am, đầy cởi mở và nồng ấm.

Ông Đào Xuân Luân cho biết, theo tư liệu lịch sử, Danh y Đào Công Chính sinh năm 1639 ở làng Cõi thuộc huyện Vĩnh Lại, xứ Hải Dương, nay là làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng.

Danh y Đào Công Chính nổi tiếng thông minh, hiếu học. Năm 13 tuổi, ông đã dự thi Hương và đậu Hương cống. Đến năm 23 tuổi, ông đậu Bảng nhãn dưới triều vua Lê Thần Tông. Sau đó, ông đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng.

Tuy nhiên, người đời nhớ tới ông nhiều hơn ở vai trò thầy thuốc giỏi chuyên “bắt mạch, kê thuốc, cứu người”. Sau này, ông được tôn vinh là “Thánh thuốc Nam” nổi tiếng khắp cả nước. Đến nay, nhiều người dân quê hương Hội Am vẫn làu làu câu ca về Danh y Đào Công Chính: “Đức thánh thuốc Nam, Hội Am Vĩnh Lại”.

Nhà lưu niệm Danh y Đào Công Chính ở làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).

Để tri ân công lao, đóng góp của Danh y Đào Công Chính với quê hương, đất nước, năm 2021, UBND huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng đã quyết định đầu tư gần 15 tỷ đồng từ nguồn vốn Tp.Hải Phòng cấp và ngân sách địa phương xây dựng Nhà lưu niệm Danh y Đào Công Chính với diện tích hơn 10.000 m2 trên quê hương của ông ở làng Hội Am, xã Cao Minh.

Công trình Nhà lưu niệm Danh y Đào Công Chính gồm các hạng mục: Nhà lưu niệm 5 gian bằng gỗ lim, hệ thống tường bao, cổng Tam Quan, khu vực trồng thuốc Nam, khu vực hồ thả cá…

“Cuối năm 2023, công trình Nhà lưu niệm Danh y Đào Công Chính được khánh thành trong niềm vui khôn xiết của người dân trong và ngoài xã Cao Minh. Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này, mọi người có nơi thăm quan, vãn cảnh và thắp hương tri ân, tưởng nhớ người con ưu tú của quê hương”, ông Đào Xuân Luân - Chủ tịch UBND xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, vui mừng chia sẻ.

Giữ tiếng thơm “Thánh thuốc Nam” lưu truyền mãi

Theo tư liệu lịch sử, năm 1676, theo sắc chỉ của vua Lê Hy Tông và chúa Nam Định vương Trịnh Căn, bằng sự hiểu biết sâu rộng của mình về phương pháp dưỡng sinh, Danh y Đào Công Chính viết bộ sách “Bảo sinh diên thọ toàn yếu” gồm 5 quyển.

Bộ sách đã sưu tầm, phân tích, tổng hợp nhiều kiến giải của các tác phẩm y học, trị liệu nổi tiếng, qua đó dạy cho người dân và quân lính cách thức, phương pháp giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, tăng tuổi thọ bằng cách giữ vệ sinh, điều dưỡng, rèn luyện tâm thần, trị bệnh bằng thư giãn, hô hấp, hít thở, xoa bóp, dưỡng sinh, trị liệu…

Bộ sách được vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn khen ngợi, cho in số lượng lớn rồi phổ biến rộng rãi. Sau này, bộ sách được Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng dịch ra chữ quốc ngữ và được nhà xuất bản Thông tấn xã Việt Nam phát hành.

Mô hình vườn cây thuốc Nam được phục dựng trong khuôn viên Nhà lưu niệm Danh y Đào Công Chính ở làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).

Để có cái nhìn toàn diện, khách quan, công tâm về Danh y Đào Công Chính, năm 2004, UBND huyện Vĩnh Bảo phối hợp một số cơ quan chuyên môn liên quan của Trung ương và Tp.Hải Phòng tổ chức Hội thảo về thân thế, sự nghiệp Danh y Đào Công Chính.

Tại Hội thảo, các chuyên gia hàng đầu đã nhất trí suy tôn Danh y Đào Công Chính là một trong ba “Đại Danh y” của Việt Nam, tạo thế “kiềng ba chân” vững chắc: “Y học đối với Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác, Dược học đối với Tuệ Tĩnh, Dưỡng sinh học đối với Đào Công Chính”.

Giữa năm 2022, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Tp.Hải Phòng và UBND huyện Vĩnh Bảo tiếp tục phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Danh y Đào Công Chính và những cống hiến cho nền y học cổ truyền dân tộc. Ngoài làm sáng tỏ thêm những vấn đề liên quan đến thân thế, sự nghiệp của Danh y Đào Công Chính, các chuyên gia, nhà quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị nghiên cứu về sử học, y học do ông để lại.

Vườn thuốc Nam trong khuôn viên Nhà lưu niệm Danh y Đào Công Chính ở làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng thường xuyên được địa phương quan tâm, chăm sóc (Ảnh: Thái Phan).

“Thời gian qua, UBND xã Cao Minh đã phối hợp Hội Đông y huyện Vĩnh Bảo bước đầu phục dựng 2 vườn thuốc Nam trong khuôn viên Nhà lưu niệm. Cùng trồng thêm những loại thuốc quý, địa phương sẽ phối hợp sưu tầm những bài thuốc quý giúp chăm sóc sức khỏe cho người dân trong và ngoài xã.

Bên cạnh đó, để phát huy giá trị công trình Nhà lưu niệm cũng như để tiếng thơm"Thánh thuốc Nam" lưu truyền muôn đời, thời gian tới, chính quyền địa phương phối hợp các phòng, ban chuyên môn của huyện Vĩnh Bảo cũng như cơ quan, đơn vị chức năng liên quan của Tp.Hải Phòng và huyện Vĩnh Bảo đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và xây dựng những tua, tuyến du lịch nghiên cứu, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp, ảnh hưởng của Danh y Đào Công Chính”, ông Đào Xuân Luân - Chủ tịch UBND xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, chia sẻ.