Sự kiện

Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị tập trung cao điều trị bệnh nhân Covid-19

Lãnh đạo Tp.Hải Phòng đề nghị các lãnh đạo địa phương, cán bộ, nhân viên y tế tập trung cao độ trong quá trình điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Chiều 31/12, Sở Y tế Hải Phòng tổ chức tập huấn hướng dẫn mới của Bộ Y tế về xét nghiệm Covid-19 và điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19. Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng, Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị.

Ông Lê Khắc Nam ghi nhận trong thời gian qua ngành Y tế và các lực lượng liên quan đã tích cực triển khai công tác tư vấn, điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế, dẫn đến người dân chưa thực sự hài lòng.

Tính đến tối 30/12, Hải Phòng ghi nhận 9.330 ca nhiễm Covid-19, 16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã tử vong, cá biệt có thời điểm lên tới hơn 1.000 ca nhiễm/ngày

Ngày 28/12, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 11011/BYT-KCB về việc “Xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19”; ngày 29/12, Bộ Y tế ban hành văn bản số 11042/BYT-DP về việc “Điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các cán bộ, nhân viên y tế tập trung cao độ, trao đổi, làm rõ các vấn đề liên quan còn vướng mắc; đề nghị các lãnh đạo quận, huyện phụ trách lĩnh vực văn hóa – xã hội và lãnh đạo đứng đầu các cơ sở y tế phải tham dự các buổi tập huấn của Sở Y tế, để từ đó có sự chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình triển khai chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tại hội nghị, Thạc sĩ Phan Hồng Hải, thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tp.Hải Phòng cho biết điều chỉnh về định nghĩa ca bệnh Covid-19, cách thức sử dụng kết quả xét nghiệm là để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế.

Ông Lê Khắc Nam đề nghị các đơn vị tập trung cao độ cho công tác chữa bệnh cho người nhiễm Covid-19.

Theo văn bản số 11042/BYT-DP về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19, ca bệnh xác định (F0) là một trong số các trường hợp sau: Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Covid-19 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của vi rút (PCR); là người tiếp xúc gần (F1) và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus Covid-19; là người có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus Covid-19, có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1); là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1) với virus Covid-19 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1).

Sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus Covid-19 phải thuộc danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Theo văn bản số 11011/BYT-KCB của Bộ Y tế ngày 28/12 về việc xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện, với đề xuất sử dụng kết quả xét nghiệm kháng nguyên để xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện, Bộ Y tế hướng dẫn đối với người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi: Thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày; kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính với virus Covid-19 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép);  Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.

Đối với người bệnh Covid-19 nằm điều trị các các cơ sở thu dung, điều trị: Người bệnh Covid-19 đơn thuần: Các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Real-time RT-PCR âm tính với Covid-19 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) hoặc xét nghiệm kháng nguyên âm tính với virus Covid-19 vào trước ngày ra viện (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép); người bệnh sau khi ra viện cần ở tại nhà và tự theo dõi trong 7 ngày. Đo thân nhiệt 2 lần/ngày, nếu thân nhiệt cao hơn 38°C ở 2 lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời; tuân thủ thông điệp 5K.

Đối với người bệnh Covid-19 có bệnh nền hoặc bệnh kèm theo: Các triệu chứng lâm sàng của bệnh Covid-19 hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Real-time RT-PCR âm tính với Covid-19 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) hoặc xét nghiệm kháng nguyên âm tính với virus Covid-19 vào trước ngày ra viện (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép); người bệnh được chuyển sang khoa điều trị bệnh kèm theo hoặc khoa điều trị bệnh nền (nếu cần) tại buồng riêng của khoa đó để tiếp tục điều trị và được sàng lọc, theo dõi theo quy định đối với người bệnh nội trú. Đo thân nhiệt 2 lần/ngày; tuân thủ thông điệp 5K.