Dân sinh

Hải Phòng: Các hộ nuôi cá khốn khổ vì lồng bè đóng bằng nhựa HDPE

Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại Cát Bà đang “kêu trời” vì lồng bè đóng mới bằng nhựa HDPE dù chưa đưa vào sử dụng đã hỏng và không thuận lợi cho việc nuôi cá.

Chưa dùng đã hỏng

Ngày 12/8/2021, HĐND Tp.Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 05 quy định hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải. Theo đó, Tp.Hải Phòng tổ chức tháo dỡ 450 cơ sở nuôi trồng thủy sản, bố trí tái nuôi trồng tại các khu vực được quy hoạch đối với 152 cơ sở đủ điều kiện theo quy định (sau đó giảm xuống còn 117 cơ sở). Thực hiện chỉ đạo của UBND Tp.Hải Phòng, ngày 3/11/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.Hải Phòng đưa ra hướng dẫn tạm thời đối với nghề nuôi trồng thủy sản lồng bè tại Cát Bà. Theo đó, Tp.Hải Phòng khuyến khích, ưu tiên sử dụng vật liệu làm lồng, phao nổi bằng nhựa HDPE.

Chị Vũ Thị Thư, ở tổ dân phố số 7, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng chỉ vào những chỗ hỏng hóc tại lồng bè của gia đình.

Thực hiện yêu cầu của Tp.Hải Phòng và UBND huyện Cát Hải, đến nay, có 9 hộ thuộc diện tái nuôi trồng thủy sản hoàn thành việc đóng mới lồng bè bằng nhựa HDPE, trong đó có gia đình chị Vũ Thị Thư, ở tổ dân phố số 7, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, chị Thư cho biết: “Gia đình tôi nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè cách đây gần 20 năm. Chấp hành chủ trương tháo dỡ của thành phố, huyện, cùng với đặt đóng mới lồng bè mới theo quy định, gia đình tôi tổ chức tháo dỡ lồng bè cũ. Cuối tháng 10/2022, gia đình tôi tiếp nhận lồng bè mới bằng nhựa HDPE với giá hơn 600 triệu đồng, cao hơn so với đóng bè gỗ truyền thống khoảng 200-300 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận và kéo ra nơi thành phố quy hoạch, lồng bè hỏng rất nhanh. Trong đó, lát sàn bằng nhựa bị bong tróc nhiều chỗ, toàn bộ bè bị nghiêng về phía nhà chòi, phần ống nâng nổi bằng nhựa HDPE bị xẹp ở nhiều đoạn… Vì thế, đến nay gia đình tôi vẫn chưa nuôi cá trở lại”.

Không chỉ gia đình chị Thư, các gia đình làm nghề nuôi trồng thủy sản (nuôi cá) hoàn thành việc đóng mới lồng bè bằng nhựa HDPE phục vụ nuôi cá đối mặt với tình cảnh tương tự khi lồng bè chưa nuôi được lứa cá nào đã hỏng. Theo các hộ dân, lồng bè đóng bằng nhựa HDPE có nhược điểm kết cấu móng dưới bè sử dụng kim loại bị nước biển ăn mòn rất nhanh, phần nhựa lát sàn nhanh hỏng, phần ống nâng nổi bằng nhựa HDPE bị bẹp...

Bên cạnh đó, lồng bè đóng hoàn toàn bằng nhựa HDPE có giá cả cao hơn nhiều so với đóng lồng bè bằng gỗ truyền thống hoặc kết hợp khung bằng gỗ, vật liệu nâng nổi lồng bè bằng nhựa HDPE (từ 600 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng/lồng bè so với 300-400 triệu đồng/lồng bè). 

Trong thông báo gửi đến các hộ dân, Công ty cung cấp sản phẩm nhựa HDPE cho biết, sau khi nhận được phản ánh của khách hàng, công ty cử người xuống sửa chữa những hư hỏng nhỏ như phào chỉ trần nhà chòi, bản lề cửa… Những yêu cầu như: làm vách ngăn khoảng cách 3 m một vách ở hệ thống ống nhựa HDPE nâng nổi, thêm ống nhựa nâng nổi ở khu vực nhà chòi… không nằm trong hợp đồng liên quan đến bảo hành.

Trước tình trạng này, một số hộ thuê gia cố lại hệ thống lồng bè, nhà ở, làm bếp nấu ăn. Tuy nhiên, do kết cấu của lồng bè đóng bằng nhựa HDPE toàn phần không phù hợp với nghề nuôi cá ở Cát Bà, nên đến nay chủ các lồng bè chưa nuôi cá trở lại.

Cần xem xét lại quy định đóng lồng bè

Trước thực tế trên, nhiều hộ thuộc diện được tái nuôi trồng theo quy định tiến hành cải tạo, sửa chữa lồng bè cũ bằng cách kết hợp khung lồng bè, nhà chòi trông coi bằng gỗ, vật liệu nâng nổi bằng nhựa HDPE.

Tuy nhiên, ngày 28/4/2023, UBND Tp.Hải Phòng có văn bản yêu cầu các cá nhân muốn tiếp tục tham gia nuôi trồng thủy sản trên các vịnh của quần đảo Cát Bà phải đóng mới bè nuôi đáp ứng Đề án nuôi trồng thủy sản lồng bè đã được phê duyệt. Tp.Hải Phòng ưu tiên, khuyến khích đóng lồng bè bằng nhựa HDPE và các vật liệu thân thiện với môi trường, quy định số lượng, kích thước các ô lồng bè, quy trình xử lý nước thải… Các hộ thuộc diện được tái nuôi trồng thủy sản theo quy định ở Cát Bà “đứng ngồi không yên” trước văn bản này bởi lồng bè đã tiến hành cải tạo, sửa chữa không phù hợp theo quy định. Nhất là thời hạn cuối cùng cho việc di dời, tháo dỡ lồng bè cận kề (trước ngày 1/7/2023 theo yêu cầu của UBND Tp.Hải Phòng).

Đến nay, các hộ đóng lồng bè mới bằng nhựa HDPE ở Cát Bà vẫn chưa nuôi cá trở lại.

Anh Bùi Văn Luyện, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, chủ cơ sở nuôi cá lồng bè trên vịnh Lan Hạ, cho biết: “Người làm nghề nuôi cá chúng tôi đang chơi vơi giữa 2 dòng nước. Đóng mới lồng bè bằng nhựa HDPE theo quy định thì nhanh hỏng, không nuôi cá được. Còn tự ý cải tạo, sửa chữa lại không phù hợp với quy định, tiền của “bỏ sông, bỏ biển”.

Chúng tôi đề nghị chính quyền Tp.Hải Phòng nói chung, huyện Cát Hải nói riêng cũng như các ban, ngành chức năng liên quan xuống thực địa nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của người dân. Qua đó, xem xét, nghiên cứu đưa ra quy định về cách thức, vật liệu đóng lồng bè hợp lý, khoa học, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người làm nghề nuôi cá. Đối với bản thân tôi, qua kinh nghiệm hàng chục năm làm nghề nuôi cá, tôi thấy lồng bè đóng khung bằng gỗ truyền thống kết hợp với vật liệu nâng nổi bằng nhựa HDPE là phù hợp nhất, vừa bảo đảm thẩm mỹ, an toàn vệ sinh môi trường, vừa thuận lợi cho việc nuôi cá cũng như phát triển du lịch”.

Theo thông tin từ phía chính quyền huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, hiện địa phương đang tập trung cao công tác di dời, sắp xếp lại lồng bè nuôi thủy sản trên các vịnh của quần đảo Cát Bà, phấn đấu hoàn thành trước 1/7/2023 theo yêu cầu của Tp.Hải Phòng.

Đối với kiến nghị của người nuôi cá về chất lượng lồng bè đóng bằng nhựa HDPE, chính quyền huyện đề nghị thành phố, phối hợp các cơ quan chuyên môn liên quan, doanh nghiệp sớm giải quyết tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản thuộc diện tái nuôi trồng theo quy định tiếp tục làm nghề.

Thái Phan