Dân sinh

Hải Dương mở vườn thu hoạch vải xuất khẩu

Sáng 29/5, Hải Dương đã tổ chức lễ khai hội, mở vườn vải xuất khẩu năm 2022

Đây là chương trình mở đầu cho chuỗi sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022.

Ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, vải thiều Hải Dương vốn là đặc sản của vùng đất Thanh Hà và đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý  từ năm 2007. Đến nay, vải thiều Hải Dương được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác; đồng thời, kết nối tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử: Lazada, Sendo, Voso và Postmart... Thị trường xuất khẩu của vải thiều Hải Dương tập trung các nước như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á...

Niên vụ vải năm 2022, Hải Dương có năng suất và sản lượng vượt trội. Với khoảng 9.000 ha vải thiều, sản lượng vải dự kiến đạt 60.000 tấn, tăng 10% so với năm 2021. Hải Dương tiếp tục duy trì 41 vùng vải tiêu chuẩn VietGAP với diện tích là 500 ha và 11 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110 ha. Ngoài ra có gần 6.000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và GAP cơ bản.

Theo đó, trà vải thiều sớm có diện tích khoảng 2.750 ha, riêng huyện Thanh Hà có khoảng 1.750 ha với sản lượng ước tính khoảng trên 35.000 tấn. Thời gian thu hoạch từ 5/5 - 10/6. Trà vải thiều muộn có diện tích khoảng 6.200 ha với sản lượng ước tính khoảng trên 25.000 tấn. Thời gian thu hoạch từ 10/6 đến hết tháng 6/2022

Về thị trường, Hải Dương dự kiến xuất khẩu khoảng 5.000 tấn vải đi các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU, Singapore, Thái Lan,... khoảng 5.000 tấn; riêng thị trường Nhật Bản xuất khẩu gần 1.000 tấn; xuất khẩu đi các thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc với số lượng khoảng 20.000 tấn.

Thời gian tới, Hải Dương sẽ tiếp tục đánh giá và cấp chứng nhận vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, cấp mã số vùng trồng vải để truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, chuyển đổi các vùng vải trồng xen giữa giống vải chính vụ với giống chín sớm thành những vùng sản xuất cùng một giống hoặc cùng nhóm giống có cùng thời gian thu hoạch để thuận lợi cho ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.

Tuy vậy, việc sản xuất vải thiều ở Hải Dương vẫn còn gặp một số khó khăn. Vùng trồng vải tiêu chuẩn xuất khẩu, vải VietGAP lớn, số hộ dân tham gia rất đông nên việc chỉ đạo, triển khai, giám sát nông dân thực hiện các yêu cầu kỹ thuật gặp khó khăn.

 Diện tích vùng sản xuất vải được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP còn nhỏ so với tổng diện tích trồng. Sản lượng xuất khẩu sang các thị trường cao cấp chỉ mới đạt khoảng 5% tổng sản lượng vải hàng năm của tỉnh, còn lại, khoảng 45% sản lượng vẫn đang xuất khẩu sang Trung Quốc. Số doanh nghiệp lớn vào đầu tư vào lĩnh vực chế biến và xuất khẩu vải thiều chưa nhiều.

Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà cho biết, năm nay, vải sớm Thanh Hà được mùa, được giá. Giống vải U trứng trắng cực sớm có giá 160.000-180.000 đồng/kg; vải u hồng hiện đang có giá 40.000 đồng/kg.