TV Show

Hai câu nói thương tâm nhất của Gia Cát Lượng ẩn chứa thiên ý sâu xa

Gia Cát Lượng được công nhận là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Những câu nói của ông luôn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa.

Gia Cát Lượng (181 - 234) tự là Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà quân sư kiệt xuất của Trung Quốc trong thời Tam quốc. Ông làm đến chức thừa tướng của nhà Thục. Sau khi ông qua đời, người đời vinh danh là “vạn đại quân sư” (quân sư nghìn đời).

Gia Cát Lượng là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc thời Tam quốc.

Ông cũng là nhân vật rất quan trọng trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Chính tác phẩm này đã đưa tên tuổi và tài năng của Gia Cát Lượng nổi tiếng khắp thế giới.

Trong đời cầm quân của mình, Gia Cát Lượng từng có nhiều chiến tích huy hoàng như: Mượn gió Đông Nam, hỏa thiêu Xích Bích, thuyền cỏ mượn tên, gảy đàn đuổi 15 vạn hùng binh của Tư Mã Ý, hoả thiêu 10 vạn quân Tào, bảy lần bắt Mạnh Hoạch, lục xuất Kỳ Sơn…

Ông còn là chủ nhân của những phát minh vô cùng độc đáo như: Trâu gỗ ngựa máy, nỏ liên châu, bàn cờ Khổng Minh, đèn trời, chiến xa phá thành, bánh bao… Những câu nói của Gia Cát Lượng cũng mang ý nghĩa triết lý sâu sắc và cũng không khỏi khiến cho người ta thương cảm.

“Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”

Nhiều người cho rằng đây là câu nói cổ vũ chí sĩ, đầy lòng nhân ái xả thân vì nước. Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng đây là một câu nói rất thương tâm.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, khi Gia Cát Lượng nói “Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”, là khi phạt Ngụy vốn đã trở thành điều không tưởng, rồi sau đó ông chết ở gò Ngũ Trượng.

“Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi” – Đó chính là tôn chỉ của Gia Cát Lượng khi phò tá nhà Thục Hán, đó không phải là ngu trung, mà thực ra đó mới chính là một người thấu hiểu mệnh trời và biết rõ sứ mệnh thật sự của mình.

Gia Cát Lượng cho người đời thấy được mẫu mực của kẻ bề tôi tận trung báo quốc đến chết mới thôi.

Điều này đã nói rõ một điều rằng Gia Cát Lượng quả thực đã biết phò tá Lưu Bị thống nhất giang sơn là điều không thể. Đây chính là thiên ý, bản thân chỉ có thể gắng sức cho đến lúc chết mà thôi. Cách nói này không khỏi khiến người ta có phần thương cảm nhưng đó lại là sự thật.

Lão Tử đã từng giảng: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo và Đạo thuận theo tự nhiên“. Gia Cát Lượng là một người tu Đạo từ bé nên hết sức thấu hiểu được điều này.

“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”

Gia Cát Lượng dốc hết sức lực phò tá cha con Lưu Bị. Ông đã sáu lần ra Kỳ Sơn, nhưng vẫn phạt Ngụy thất bại. Trong hồi 103 Tam quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng vắt hết óc, tỉ mỉ sắp đặt để cho cha con Tư Mã Ý đi vào phía trong cốc, đồng thời dùng củi khô và bó đuốc lấp đầy miệng hang, cho phóng hỏa và mìn nổ cùng một lúc.

Cha con Tư Mã Ý cùng quân Ngụy không còn biết tiến thoái đường nào nữa, lại còn gặp phải lửa cháy khắp nơi. Đúng lúc đó cuồng phong gào thét, mưa như trút nước, lửa cháy trong cốc đều bị mưa to làm tắt hết.

Cha con Tư Mã Ý thừa cơ phá vòng vây chạy ra, lúc này Gia Cát Lượng chỉ còn biết ngửa mặt lên trời thở dài nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, không thể cưỡng ép!”. Câu nói này khiến người ta không thể không cảm thấy thương cảm.

Gia Cát Lượng dù có tài đến đâu thì cũng địch không lại ý trời.

Một câu nói đơn giản nhưng đã nói hết ra huyền cơ về sự thành công nơi thế gian. Dường như Lưu Bị xưng đế, Tôn Quyền chiếm lĩnh một phương, Tào Tháo thao túng thiên tử hiệu lệnh chư hầu, Quan Vũ bại trận đến Mạch Thành… hết thảy đều là ý trời.

Dù có tài “trên thông thiên văn dưới tường địa lý” ra sức xoay chuyển tình thế, thì cũng địch không lại ý trời. Bởi vậy có thể thấy được, một người vì mục tiêu của mình mà cố gắng thì cũng chỉ đạt tới trình độ có hạn mà thôi, mà cái ‘thiên’ trong thiên thời, địa lợi, nhân hòa mới là yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến con người, đó mới là điểm mấu chốt để quyết định một việc thành hay bại.

Quốc Tiệp (t/h)