Hồ sơ doanh nghiệp

HAGL của bầu Đức xin "điều kiện thử thách" để thoát án hủy niêm yết

Hoàng Anh Gia Lai kiến nghị áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, MCK: HAG) vừa có văn bản giải trình liên quan đến điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính, đồng thời trình bày kiến nghị của cổ đông về việc duy trì niêm yết cổ phiếu HAG tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE).

Cụ thể, ngày 25/11/2021, công ty đã có văn bản số 2511/CV-HAGL về việc điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính và khiến lợi nhuận sau thuế công ty các năm 2017, 2018 và 2019 đều lỗ.

Điều này tạo quan ngại cho các cổ đông về việc cổ phiếu HAG không thỏa mãn điều kiện niêm yết trên HoSE (do thua lỗ 3 năm liên tiếp).

Vì vậy, trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên ngày 26/11/2021, cổ đông HAGL đã bàn bạc rất kỹ vấn đề này và thống nhất ghi vào biên bản họp thể hiện nguyện vọng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì việc niêm yết cổ phiếu HAG.

Trên cơ sở đó HAGL xin kiến nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và HoSE xem xét đến tình hình công ty hiện tại để duy trì niêm yết, bởi các cổ đông HAGL mua cổ phiếu dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai chứ không phải thông tin tài chính quá khứ cách đây 3-5 năm.

Tổng giám đốc Võ Trường Sơn cho biết, đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc của HAGL có nhiều cải thiện hơn so với trước đây. 

Cụ thể, HAGL đã thanh toán được phần lớn các khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng; xử lý phần lớn các khoản đầu tư không hiệu quả như thanh lý các công ty con thuộc ngành nông nghiệp, thủy điện và khoáng sản.

Đồng thời doanh nghiệp cũng xử lý các khoản phải thu tồn đọng nhiều năm như công nợ phải thu công ty An Phú. Các chỉ tiêu tài chính dần cải thiện, hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1.

HAGL cũng đã có kế hoạch thanh lý một số tài sản không tạo ra lợi nhuận, tập trung thu hồi nợ từ các bên liên quan và sử dụng dòng tiền thu được từ kinh doanh để trả nợ, cải thiện tình hình tài chính.

Theo đó kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 của doanh nghiệp là có lãi 18 tỷ đồng và ước tính cả năm nay đạt trên 120 tỷ đồng.

Cổ phiếu HAG vượt mệnh giá sau gần 5 năm. (Ảnh: Tradingview)

Sang năm 2022, doanh nghiệp của bầu Đức dự kiến đạt kết quả kinh doanh với doanh thu thuần 4.820 tỷ và có lãi sau thuế đến 1.120 tỷ đồng.

Các nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường tái cơ cấu tài chính để giảm số dư nợ phải trả ngân hàng xuống còn 5.000 tỷ đồng, song song đó là tập trung kinh doanh 2 ngành hàng chủ lực là chuối và chăn nuôi heo.

Hiện HAGL có lợi thế cạnh tranh như quỹ đất rộng lớn ở xa khu dân cư, khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp cho trồng trọt chăn nuôi, khoảng cách đến các thị trường tiêu thụ gần hơn các công ty cạnh tranh...

Sản phẩm chuối và thịt heo có thị trường rộng lớn tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Chất thải từ trồng trọt (200.000 tấn chuối/năm) là nguyên liệu dinh dưỡng cho heo giúp hạ giá thành chăn nuôi và tăng khả năng cạnh tranh.

Vì vậy, lãnh đạo HAGL kiến nghị các cơ quan nhà nước cho phép HAGL áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường.

Trên thị trường, cổ phiếu HAG vừa trải qua giai đoạn bật tăng mạnh mẽ từ vùng 5.000 đồng/cổ phiếu lên vùng 15.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, cổ phiếu HAG điều chỉnh về giá 12.650 đồng tại phiên ngày 27/1. Mặc dù vậy, cổ phiếu HAG cũng đã tăng gấp 2,4 lần sau gần 3 tháng