Sức khỏe

Hà Tĩnh nắng nóng kỷ lục, bác sĩ đưa cảnh báo với người phải làm việc ngoài trời

Hà Tĩnh đang trải qua đợt nắng nóng thứ 2 trong mùa, nhiều nơi nền nhiệt lên đến hơn 40 độ C. Tuy nhiên, đang vào vụ gieo mạ nên nhiều người dân vẫn phải "đội nắng" ra đồng làm việc.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây tiếp tục phát triển và mở rộng về phía Đông Nam với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn mạnh nên Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục nóng, có nơi đặc biệt nắng gay gắt. Nằm trong khu vực "chảo lửa", Hà Tĩnh trải qua đợt nắng nóng thứ 2, nền nhiệt có những nơi lên đến hơn 40 độ C. Theo trung tâm Dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài từ nay đến ngày 12 - 13/6.

Đang vào vụ mùa nên dù trời nắng nóng, những người nông dân vẫn phải ra đồng làm việc.

Bà Hương, trú tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, mặc dù mấy ngày này trời rất nắng nóng nhưng để kịp vụ mùa, bà và nhiều thành viên trong gia đình vẫn phải ra đồng làm việc. "Gia đình tôi ra đồng từ lúc 5h sáng làm đến khoảng 10h thì về chứ nắng không chịu nổi", bà Hương nói.

Theo anh Nam, một lao động tự do tại TP.Hà Tĩnh, những ngày nắng nóng anh vẫn phải ra đường làm việc như bình thường với số tiền công không thay đổi. Buổi sáng anh làm từ 7h đến 11h, buổi chiều từ 14h đến 5h30. Tùy theo mức độ công việc được thuê, anh được trả giao động từ 250 - 350 ngàn đồng/ngày.

Nắng nóng kéo dài, gia tăng tỷ lệ bệnh nhân nhập viện, đối tượng chủ yếu vẫn là người già và trẻ em thậm chí trước đó, có trường hợp ông Võ Tá T. (50 tuổi, trú tại thôn Phú Xuân, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), sau quá trình làm việc giữa trời nắng đã bị tử vong do sốc nhiệt. Để phòng, chống các loại bệnh tật, báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Bác sỹ Hoàng Quang Trung, PGĐ - Trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc, bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Nắng nóng cũng khiến tỷ lệ bệnh nhân nhập viện tại bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh tăng cao.

Theo Bác sỹ Trung, những ngày nắng nóng gần đây, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện tại khoa gia tăng. Thời tiết nắng nóng kéo dài tạo điều kiện phát triển cho các loại virus, vi khuẩn và nấm…Đó là nguyên nhân gây nên những căn bệnh dễ mắc phải như: Viêm đường hô hấp, tiêu chảy, tim mạch, đột quỵ, đặc biệt ở những trẻ nhỏ và người già. Nắng nóng gây nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch bởi khi nắng nóng, cơ thể thường ra mồ hôi nhiều, nếu không uống đủ nước thì cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải.

Bên cạnh đó, bệnh đột quỵ cũng gia tăng trong mùa nắng nóng với một tỷ lệ đáng kể. Tuy nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ nhưng lại là yếu tố thuận lợi khiến những người tiềm ẩn những bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì hoặc người nghiện thuốc lá, lạm dụng rượu, bia,... có thể bị đột quỵ.

Nắng nóng kéo dài còn khiến đồ ăn, thức uống rất dễ hỏng, ôi thiu, nhiễm khuẩn và từ đó gây ra tiêu chảy cấp.

Người dân cần hạn chế làm việc ngoài trời trong khung giờ từ 11h - 15h trong ngày.

"Khi phát hiện người nhà có dấu hiệu đột quỵ, cần lưu tâm giờ vàng, càng đến bệnh viện sớm càng có lợi. Không nên cố gắng làm việc gì như uống thuốc hay nước đều rất nguy hiểm vì lúc đó đã rối loạn … gây nguy cơ sặc. Cần nhanh chóng kết nối y tế để đưa bệnh nhân tới bệnh viện để kịp điều trị", bác sỹ Trung nói.

Cũng theo Bác sĩ Hoàng Quang Trung, hiện tượng sốc nhiệt là hiện tượng thường xẩy ra khi người bệnh tiếp xúc trực tiếp, lao động ngoài trời kéo dài dưới thời tiết nắng nóng. Do đó sẽ nhanh chóng mất nước dẫn tới hiện tượng bệnh nhân sẽ kích thích vật lộn, thân nhiệt tăng cao, dấu hiệu mất nước, đau đầu, nôn mửa. Ngoài ra, nạn nhân có các triệu chứng rối loạn tim mạch, rối loạn hô hấp, rối loạn thần kinh trung ương… 

Mức độ nguy hiểm của 2 hiện tượng sốc nhiệt và đột quỵ là khác nhau tùy theo mức độ tổn thương. Hiện tượng sốc nhiệt có thể nhanh chóng phục hồi khi người bệnh được bù đủ lượng dịch đã mất khi trải qua thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh nhân do mất nước kéo dài dẫn tới tình trạng nặng do trụy tim mạch và tử vong. Còn đột quỵ thì đó là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu, dĩ nhiên nó nguy hiểm hơn nhiều so với hiện tượng sốc nhiệt.

Trong cái nắng gay gắt, những lao động tự do tại TP.Hà Tĩnh tìm đến những tán cây xanh trong công viên hay một góc trước thềm nhà nào đó để tranh thủ nghỉ trưa

"Người dân cần hạn chế tiếp xúc ánh nắng, đặc biệt khoảng thời gian từ 11h – 15h. Trang bị các thiết bị bảo vệ cơ thể khi lao động ngoài trời để hạn chế sự tăng nhiệt đột ngột, kéo dài như: Mũ rộng vành, áo chống nóng, áo tơi khi lao động; bổ sung nước thường xuyên cho cơ thể bằng: Nước lọc, các loại nước ép trái cây, tránh xa các loại đồ uống có cồn. Bên cạnh đó, người dân cần giữ cơ thể mát mẻ bằng cách mặc trang phục rộng rãi, nhẹ, sáng màu; ăn uống đảm bảo vệ sinh, ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa; sử dụng các thiết bị làm mát đúng cách, đản bảo không khí trong nhà luôn lưu thông tốt, giữ nhiệt độ phòng không chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời… Và đặc biệt, khi có biểu hiện sốc nhiệt cần được đưa vào các vị trí mát mẽ, nới rộng quần áo sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân vào các cơ sở y tế nơi gần nhất để được sơ cứu và cấp cứu kịp thời", bác sỹ Trug khuyến cáo.