Sự kiện

Hà Tĩnh: Cho thôi việc cán bộ thú y lơ là phòng, chống dịch

Khi đàn lợn của hộ nông dân chết bất thường không rõ nguyên nhân, chủ hộ đã thông báo cho bà Nguyễn Thị Hạnh - cán bộ Thú y xã nhưng bà Hạnh không đến trực tiếp kiểm tra, báo cáo đến cơ quan chức năng mà chỉ hướng dẫn hộ xử lý qua điện thoại.

Ngày 24/5, thông tin từ UBND huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện vừa yêu cầu UBND xã Cẩm Nam tổ chức xử lý kỷ luật, đình chỉ công tác và chấm dứt hợp đồng đối với cán bộ Thú y xã là bà Nguyễn Thị Hạnh vì lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc.

Nguyên nhân được xác định, trước đó vào ngày 6/5, đàn lợn của ông Võ Văn Huy (thôn Tiến Hưng, xã Cẩm Nam) ốm rồi chết với số lượng lớn không rõ nguyên nhân. Trước tình hình trên, chủ hộ đã thông báo cho bà Nguyễn Thị Hạnh nhưng sau khi tiếp nhận tin báo, bà Hạnh không đến trực tiếp kiểm tra, báo cáo đến cơ quan Thú y huyện, lãnh đạo UBND xã để đưa ra hướng xử lý phù hợp, kịp thời mà chỉ hướng dẫn hộ xử lý qua điện thoại.

Đến ngày 15/5 dịch bùng phát, gây chết số lượng lớn, bà Hạnh vẫn tiếp tục không báo cáo về lãnh đạo xã, cơ quan Thú huyện. Chỉ đến khi chủ hộ báo trực tiếp lên cơ quan Thú y huyện, UBND huyện này mới nắm được thông tin, tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn xử lý theo quy định về phòng chống dịch bệnh.

Theo văn bản kỷ luật của UBND huyện Cẩm Xuyên, ý thức, thái độ trong công tác phòng, chống dịch bệnh của bà Nguyễn Thị Hạnh đã gây thiệt hại cho hộ chăn nuôi, gây khó khăn cho công tác phòng chống và tiềm ẩn nguy cơ dịch lây lan ra diện rộng, chính vì vậy UBND huyện này đã yêu cầu xã Cẩm Nam chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Hạnh; lựa chọn, bố trí người có năng lực trình độ để thay thế.

Việc tiêu độc, khử trùng đang được khẩn trương thực hiện tại các trang trại, hộ chăn nuôi trên toàn tỉnh.

Hai ổ dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đầu tiên tại Hà Tĩnh vừa được phát hiện ở 2 hộ nuôi tại địa bàn huyện Cẩm Xuyên gồm: Đặng Văn Đoàn (trú tổ 6, thị trấn Cẩm Xuyên) và hộ ông Nguyễn Trọng Cuông (trú tổ dân phố Hoàng Hoa, thị trấn Thiên Cầm). Đàn lợn tại 2 hộ dân này đều có triệu chứng bỏ ăn rồi chết không rõ nguyên nhân. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm cho thấy dương tính với DTLCP.

Trước tình hình DTLCP, các địa phương trên toàn tỉnh đang “căng mình”, khẩn trương thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng, phòng, chống, tránh phát tát virus gây bệnh.

Cơ quan chức năng tiêu hủy đàn lợn của ông Đoàn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi